Giảng viên cao cấp và Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT
Trước mùa dịch, "du lịch khép kín" thường gắn với giới siêu giàu. Họ tự lên kế hoạch hoặc thuê tour nghỉ ngơi, tận hưởng ở những khu nghỉ dưỡng biệt lập, dịch vụ xa xỉ với mức giá đắt đỏ.
Tuy nhiên, đại dịch đã định nghĩa lại khái niệm này. Cá nhân tôi cho rằng du lịch khép kín trong thời bình thường mới không nhất thiết phải tốn kém. Khép kín ở đây hiểu là đảm bảo an toàn theo tiêu chí phòng chống dịch Covid-19 xuyên suốt chuyến đi.
Điểm đến cần được kiểm tra và đảm bảo an toàn, du khách phải đáp ứng tiêu chí về tiêm chủng vaccine, xét nghiệm âm tính, tuân thủ 5K khi tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng.
Hầu hết công ty du lịch và khách sạn đều nhận thức được tác động của các loại chi phí xét nghiệm, phương tiện đi lại đến giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả. Vì vậy, họ sẽ cố gắng tối ưu mức giá ở mức chấp nhận được.
Hơn nữa, trong tình hình hiện tại, khách du lịch sẽ không ngại chi thêm tiền để đảm bảo an toàn cho bản thân, miễn là khoản này hợp lý và được giải thích thỏa đáng.
Xây dựng hình ảnh Việt Nam hấp dẫn và an toàn
Tôi cho rằng xu hướng du lịch khép kín bùng nổ giữa đại dịch theo một tiến trình tự nhiên. Đó là khâu trung gian trước khi hoạt động du lịch trở lại hoàn toàn.
Một mặt, chúng ta muốn ngành du lịch phục hồi càng sớm càng tốt, du khách chóng thực hiện những chuyến đi. Mặt khác, các bên liên quan cần cẩn trọng và tính đến yếu tố an toàn.
Việc giới hạn địa điểm khách có thể ghé thăm là cần thiết ở thời điểm hiện tại. Điều đó không chỉ ngăn bùng phát dịch tại nơi có nguy cơ cao mà còn bảo vệ sức khỏe của chính khách du lịch.
Hầu hết quốc gia trên thế giới nối lại hoạt động du lịch đều thực hiện các biện pháp an toàn mà Việt Nam có thể học hỏi trong giai đoạn kế tiếp:
- Tiếp tục các hoạt động du lịch giới hạn trong một số khu vực an toàn nhất định.
- Ứng dụng thẻ xanh vaccine Covid-19 trên điện thoại, chứng nhận tình trạng tiêm chủng đầy đủ.
- Hạn chế một số hoạt động du lịch đối với các nhóm có nguy cơ như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính.
- Giám sát chặt chẽ việc đi lại vì mục đích du lịch giữa các địa phương và các nước.
- Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường, không tụ tập đông người nơi công cộng… cần được chú trọng.
Với khách nước ngoài, bên cạnh việc tìm kiếm sự phấn khích và mạo hiểm tại Việt Nam, ở thời điểm hiện tại, họ cũng đặt an toàn sức khỏe lên hàng đầu.
Để phát triển du lịch trong nước, các đơn vị du lịch nên cùng thảo luận, đề xuất chuyến đi đáp ứng hai yếu tố phiêu lưu và an toàn. Họ cần nỗ lực quảng bá, xây dựng hình ảnh một quốc gia với với thiên nhiên đẹp, trải nghiệm hấp dẫn và đã sẵn sàng đón khách.
Gần đây, tôi nhận thấy dấu hiệu quan tâm tích cực từ một số thị trường truyền thống như Nga và Bắc Mỹ.
Cần chuẩn bị kỹ cho sự trở lại
Mong muốn đi du lịch là nhu cầu bẩm sinh của con người. Chúng ta có thể chứng kiến sự "bùng nổ" các chuyến đi sau đại dịch. Tuy nhiên, điều đó có thể mất nhiều thời gian hơn do các biến chủng nguy hiểm của Covid-19.
Du khách chọn địa điểm, cách thức du lịch mà họ muốn và cảm thấy thoải mái. Điều các công ty du lịch, cơ sở lưu trú nên làm là đảm bảo mọi quy định phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Chỉ khi khách cảm thấy an toàn trong các chuyến đi, du lịch Việt Nam mới hy vọng mau chóng phục hồi.
Đầu tiên và quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần tuân thủ chỉ thị của Chính phủ về việc đón tiếp du khách đã tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh đó, 100% nhân viên phải được tiêm vaccine, xây dựng thói quen vệ sinh, khử trùng, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để du khách tận hưởng kỳ nghỉ.
Thứ hai, sau nhiều tháng đình trệ, việc thu hút và giữ nhân sự có năng lực trở thành yếu tố then chốt. Nhân viên cần được đào tạo về kỹ năng chuyên môn, thái độ phục vụ trước khi mở cửa trở lại.
Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú tại khách sạn, chúng ta bán trải nghiệm. Tất nhiên, du khách không thể có trải nghiệm tuyệt vời nếu thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, được đào tạo tốt.
Thứ ba, dịch vụ logistics giúp chuỗi cung ứng du lịch như nguyên liệu, vật tư, thực phẩm, đồ uống, các tiện ích... không bị gián đoạn.
Nếu không có một chuỗi cung ứng mạnh mẽ, bất kỳ nỗ lực mở cửa trở lại nào cũng sẽ gặp khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.
Thứ tư, hãng hàng không, khách sạn, đại lý du lịch, công ty lữ hành, các đơn vị quảng bá hình ảnh... trong ngành du lịch cần phối hợp, nắm bắt thông tin chính xác.
Thứ năm, chúng ta cần đề ra chiến lược quản lý rủi ro cho các tình huống bất ngờ. Đại dịch đã "dạy" cho chúng ta điều đó.
Một số yếu tố như đợt dịch bùng phát mới, thiếu nhân viên, thủ tục đi lại hay vận chuyển phức tạp đều sẽ là rào cản nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cuối cùng, bản thân khách du lịch nên tự làm quen với các quy định của quốc gia, tỉnh và địa phương nơi điểm đến.
Liên lạc trước với đơn vị cung cấp dịch vụ tour, khách sạn là điều cần thiết để du khách nắm bắt quy định và quyền lợi của mình. Bằng cách này, khi chuyến đi bắt đầu, du khách sẽ không bất ngờ và có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.