Toyota là một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, nhưng không có nghĩa rằng hãng xe Nhật Bản không gặp khủng hoảng. Akio Toyoda - Chủ tịch Toyota cho biết thương hiệu đang thay đổi để thích ứng với tương lai, dù mới đang ở những bước đầu.
"Trong 100 năm tới, không có gì đảm bảo các nhà sản xuất ôtô còn dẫn đầu trong ngành công nghiệp dịch chuyển", Toyoda nói trong một bài phát biểu năm ngoái. "Sự tranh đấu quyết liệt giữa truyền thống và tương lai đã bắt đầu, đây không phải cuộc chiến thắng bại, mà là sống còn.
Akio Toyoda - Giám đốc điều hành Toyota Motor Corporation. |
Nghe có vẻ cường điệu với những người ngoài cuộc. Nhưng với người trong ngành, nỗi ám ảnh của Toyoda hoàn toàn thực tế, các nhà sản xuất ôtô đang rơi vào tình thế phải thoát khỏi vùng an toàn để tiến lên phía trước.
Cuộc chiến sống còn
Toyoda nắm quyền điều hành hãng xe lớn nhất Nhật Bản vào năm 2009, trong bối cảnh toàn cầu đang đối diện khủng hoảng tài chính. Vào thời điểm đó, Toyota đang vật lộn với doanh số tăng trưởng âm đầu tiên trong 70 năm, một tình thế mà Toyoda mô tả là "thả buồm trong cơn bão".
Diễn biến sau đó càng tồi tệ hơn. Một năm sau, Toyota chìm ngập trong cuộc khủng hoảng, Toyoda phải trả lời trước chính phủ về những đợt triệu hồi lớn do lỗi tăng tốc đột ngột.
Năm sau, ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản xoáy sâu vào cơn khủng hoảng trong nhiều tháng bởi thảm họa lịch sử động đất và sóng thần. Cũng năm đó, trung tâm sản xuất quan trọng của Toyota tại Thái Lan, nơi xuất khẩu xe đi nhiều nước Đông Nam Á bị ngập lụt.
Sang 2012, Toyota và các thương hiệu ôtô Nhật Bản bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay mạnh mẽ. Doanh số bán hàng ở thị trường lớn nhất thế giới rớt thảm hại.
Toyota đã thông qua một chính sách "thắt lưng buộc bụng" để cải thiện tình hình. Khi đó, hệ số lợi nhuận hoạt động của Toyota tăng từ 6% trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3/2013, lên 10% trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3/2015.
Ở thì hiện tại, cuộc khủng hoảng đang manh mún xuất hiện trở lại. Lợi nhuận kinh doanh giảm 30% trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/3/2017, trong khi biên lợi nhuận giảm xuống còn 7,2%. Một con số đáng lo lắng đối với hầu hết nhà sản xuất ôtô.
"Tôi cảm thấy một cuộc khủng hoảng sắp diễn ra", ông nói. "Hai năm liên tiếp thua lỗ có nghĩa là bạn đang thất bại".
Toyota luôn đặt tầm nhìn lâu dài, và đang bị ám ảnh bởi các mối đe dọa mới, từ sự ra đời của cuộc đua điện khí hóa đến xe tự lái đến từ Thung lũng Silicon và Trung Quốc. Điều đáng chú ý ở đây, là họ hầu hết là thương hiệu không có truyền thống làm xe ôtô.
Sự nhạy bén của kẻ đường cùng
Các nhà phân tích cho hay, động thái cho thấy tư tưởng của Toyoda không có một chút tự mãn, dồn tâm trí đối mặt với tương lai.
Christopher Richter - nhà phân tích ôtô của CLSA Asia-Pacific Markets - ví von: "Toyota giống một chiếc tàu chiến lớn, trông có vẻ bất khả chiến bại, nhưng toàn bộ đoàn thủy thủ đều biết, con tàu hoàn toàn có thể bị chìm".
Nhận thức được vấn đề, Toyota đang nhanh chóng thay đổi. Việc cắt giảm chi phí lớn đã giúp phục hồi lại quỹ đạo lợi nhuận. Lợi nhuận được dự đoán tăng trưởng nhẹ trong năm tài chính hiện tại. Và tất cả lợi nhuận đang được Toyota đổ vào các dự án phát triển.
Năm ngoái, hãng liên doanh với Mazda và Denso để phát triển công nghệ cho xe điện. Hợp tác với Subaru và Suzuki để làm một số dự án. Toyota cũng rất tích cực trong việc phát triển pin thế hệ mới, chuẩn bị cho việc sản xuất xe điện đại trà bắt đầu từ 2020.
Tháng này, hãng đã chi 2,8 tỷ USD để thành lập Viện nghiên cứu Toyota - Phát triển nâng cao, phục vụ cho quá trình phát triển phần mềm cho xe tự lái.
"Họ đang bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư cho tương lai", Richter nói.
Toyota đang tiếp cận với công nghệ kết nối ôtô mạnh mẽ hơn thông qua việc sáp nhập 3 công ty công nghệ thông tin. Bên cạnh đó là việc tái cơ cấu lại tổ chức, ảnh hưởng đến 2.500 nhân viên trên khắp Nhật Bản, và tạo ra một ban giám đốc đa dạng hơn bao giờ hết.
Cuộc khủng hoảng là chất xúc tác cho sự thay đổi của Toyota, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mở rộng về loại hình kinh doanh.
Toyota đang muốn chuyển từ tập đoàn sản xuất ôtô sang tập đoàn dịch chuyển. Kịch bản này không xạ lạ với bản thân hãng xe Nhật, vì xuất thân của Toyota vốn là một nhà sản xuất khung dệt. Một ngày nào đó, tên gọi có thể thay đổi từ Toyota Motor Corporation sang Toyota Mobility Corporation.
"Đối thủ cạnh tranh của chúng tôi không còn đơn thuần là các nhà sản xuất ôtô, họ có thể là Google, Apple và thậm chí cả Facebook", Toyoda nói tại triển lãm CES diễn ra hồi đầu năm.