Tuần trước, Toyota vừa công bố kế hoạch mua 5% cổ phần Mazda. Cả 2 nhà sản xuất sẽ "bắt tay" xây dựng một nhà máy tại Mỹ nhằm đẩy mạnh sản xuất.
Vị trí đặt nhà máy chưa được xác nhận, nhưng Toyota và Mazda kỳ vọng những chiếc xe đầu tiên lăn bánh khỏi dây chuyền sản xuất vào năm 2021. Nhà máy dự kiến tiêu tốn hết 1,6 tỷ USD và tạo ra khoảng 4.000 việc làm.
Toyota sẽ sở hữu 5% cổ phần Mazda. Ảnh: Autoguide. |
Thông báo của Toyota và Mazda đã nhận được lời chúc mừng của tổng thống Mỹ Donald J. Trump. "Toyota và Mazda sẽ xây dựng một nhà máy mới trị giá 1,6 tỷ USD và tạo ra khoảng 4.000 việc làm. Một sự đầu tư lớn vào nước Mỹ", ông viết trên mạng xã hội. Cách đây 7 tháng, Donald J. Trump từng cảnh báo nếu Toyota sản xuất xe tại Mexico sẽ phải chịu mức áp thuế cao khi bán xe vào thị trường Mỹ.
Liên minh giữa Toyota và Mazda là bước đi nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố ngành công nghiệp bốn bánh Nhật Bản. Hai nhà sản xuất cho biết họ dự định theo đuổi phát triển xe điện và công nghệ an toàn.
Trong kỷ nguyên chi phí phát triển tăng cao và tốc độ công nghệ đi lên không ngừng, nhiều nhà sản xuất đang lo ngại thiếu nguồn lực để theo kịp. Mối lo hiện hữu ở cả Toyota, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới với sản lượng mỗi năm 10 triệu chiếc, nhưng bị nhiều nhà phê bình đánh giá tụt hậu về mảng nghiên cứu và phát triển.
Ông Toyoda cho biết trong tương lai, các nhà sản xuất ôtô truyền thống sẽ phải đối mặt với các đối thủ mới. Ngay tại buổi họp báo tuần trước, ông cho biết mình đang chú ý tới Thung lũng Silicon. Các công ty công nghệ ở đây đang quan tâm đến ngành công nghiệp ôtô.
"Tất cả các hãng công nghệ như Google và Amazon đều đã có kế hoạch tham gia ngành công nghiệp ôtô", ông Toyoda nói. "Chúng ta cần hợp tác để cạnh tranh lại với họ".
Toyota đang lo ngại về các công ty ở Thung lũng Silicon. Ảnh: Green Car Reports. |
Các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản từng có tiền lệ tìm kiếm sự hợp tác với nhà sản xuất lớn hơn. Ford Motor có một ít cổ phần trong Mazda, và Gerenal Motors có cổ phần trong Suzuki, nhưng cả hai đối tác Mỹ đều đã rút lui.
Năm ngoái, Mitsubishi gia nhập liên minh Renault-Nissan. Đây là hệ quả của việc Nissan mua 34% cổ phần của Mitsubishi, trị giá 2,2 tỷ USD để phục hồi lại thương hiệu sau bê bối khí thải.
Cũng trong 2016, Toyota thâu tóm thành công Daihatsu. Bên cạnh việc tăng cường quan hệ với Fuji Heavy Industries, nhà sản xuất ôtô Subaru. Và Toyota đã thảo luận về một mối quan hệ đối tác mới với Suzuki.
Toyota và Mazda đã và đang hợp tác từ 2010, khi Mazda mua hệ thống hybrid của Toyota. Năm 2015, cả hai nhà sản xuất cho biết đang tìm cách để mở rộng mối quan hệ hợp tác.
Phía Mazda cho biết họ dự định phát hành cổ phiếu mới cho Toyota trị giá 450 triệu USD, cho phép đối tác sở hữu 5,05% cổ phần tại Mazda. Đổi lại, Toyota có kế hoạch chuyển cổ phần của mình cho Mazda. Lượng cổ phiếu tương đương theo tiền mặt. Bởi thế Mazda chỉ sở hữu 0,25% cổ phần trong Toyota do giá trị cổ phiếu Toyota lớn hơn rất nhiều so với Mazda.