Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Toyota và công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam

Trong suốt 21 năm có mặt tại Việt Nam, Toyota không chỉ tham gia sản xuất xe, mà còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực trong nước.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có nhiều chia sẻ về chương trình đào tạo kỹ thuật viên Toyota (T-TEP). Chương trình do Toyota tổ chức đang được triển khai tại nhiều đại học trên cả nước.

- Thưa ông, tính đến nay, nhà trường đã thực hiện được bao nhiêu chương trình T-TEP? Khi tham gia vào chương trình này, sinh viên được học những gì?

- Từ năm 2001, Toyota Việt Nam đã tài trợ thành lập Trung tâm đào tạo T-TEP tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, gồm Trung tâm đào tạo Kỹ thuật viên sửa chữa chung và Trung tâm đào tạo Kỹ thuật viên sửa chữa thân vỏ, sơn xe. Từ đó đến nay, mỗi năm chúng tôi có 2 khoá và 2 lớp/khóa, tổng cộng có hơn 30 khóa được đào tạo liên tục, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Toyota và nhiều doanh nghiệp khác. 

Toyota anh 1
PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.

Tại trung tâm, học viên được đào tạo hệ thống, bài bản kiến thức chung về kỹ thuật viên Toyota như vị trí công việc, tác phong công nghiệp, môi trường làm việc, tiêu chuẩn 5S, an toàn lao động. Ngoài ra, học viên cũng được trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về các hệ thống trên ôtô Toyota, thực hành phương pháp, quy trình kiểm tra, chẩn đoán, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống trên các dòng xe Toyota.

Qua T-TEP, sinh viên được học tập trong một trung tâm đào tạo chất lượng theo tiêu chuẩn Toyota, thực hành trên trang thiết bị hiện đại. Chương trình đào tạo này đạt chuẩn toàn cầu của Toyota, do đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm hướng dẫn. Sau chương trình, học viên có thể trở thành một kỹ thuật viên chuyên nghiệp, thực tập tại các đại lý Toyota để làm quen với môi trường làm việc. Với chứng chỉ kỹ thuật viên Toyota sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào hệ thống đại lý Toyota.

- Có rất nhiều hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, xin ông cho biết chương trình T-TEP có sự khác biệt gì không?

- Chương trình đào tạo T-TEP ngoài gắn với nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Toyota còn cung cấp cho ngành công nghiệp ôtô lực lượng kỹ thuật viên lành nghề. Ở chương trình này, nhà trường được tài trợ về trang thiết bị, nội dung đào tạo. Toyota tham gia vào quá trình đào tạo như hỗ trợ đánh giá kết quả học tập, phân công thực tập và ưu tiên tuyển dụng làm việc cho học viên. 

Trong bối cảnh có nhiều đơn vị đào tạo ngành ôtô nhưng chất lượng chưa tốt, sinh viên khó có cơ hội tìm việc, chúng tôi đánh giá cao chương trình như T-TEP. Chương trình giúp bổ sung và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho người học. Cơ hội việc làm cho sinh viên tham gia chương trình này cũng cao hơn.

Toyota anh 2
PGS. TS Đỗ Văn Dũng (phải) nhận chuyển giao gói đào tạo kỹ thuật từ Tổng giám đốc Toyota Việt Nam - Toru Kinoshita.

- Ông nhận xét gì về trình độ, tay nghề của học viên trước và sau khóa học? Nhà trường đo lường sự thành công của T-TEP qua những hình thức nào?

- Do được đào tạo trong điều kiện tốt, thực tập ở môi trường làm việc chuyên nghiệp… nên trình độ và kỹ năng của học viên được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, cơ hội việc làm của học viên T-TEP là rất lớn. 

Tại Việt Nam hiện nay, Toyota được xem là một trong những doanh nghiệp có hệ thống đào tạo nội bộ chuyên nghiệp và tốt nhất. Sau khi nhận được chứng chỉ hoàn thành khóa học, học viên không làm việc trong hệ thống Toyota vẫn có thể ứng tuyển tại nhiều công ty hoạt động cùng lĩnh vực. 

Một số học viên xuất sắc của nhà trường đã trưởng thành từ chương trình đào tạo này, tiêu biểu như em Võ Trần Văn Tú, có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi được tài trợ học chương trình T-TEP, Tú đã làm việc tại Toyota Biên Hòa và đạt huy chương vàng Hội thi tay nghề Toyota 2015. Tại Hội thi tay nghề Toyota diễn ra vào tháng 9, hai cựu sinh viên của trường cũng đã đạt huy chương vàng về Cố vấn dịch vụ và Kỹ thuật viên.

Về trình độ, kỹ năng tay nghề của học viên, chúng tôi đánh giá bằng kết quả học tập, kiểm tra cuối khóa từ Trung tâm đào tạo Toyota và sự tiến bộ của học viên qua chương trình thực tập tại các đại lý. Số lượng học viên có việc làm tốt sau khóa học cũng là thước đo để đánh giá kết quả của chương trình T-TEP.

- Ông đánh giá như thế nào về chương trình T-TEP tại trường? Trong tương lai nhà trường có kế hoạch mở rộng các chương trình đào tạo tương tự không thưa ông?

- Với kết quả đạt được trong gần 20 năm qua, tôi đánh giá cao hiệu quả và ý nghĩa của chương trình T-TEP. Chương trình đã cung cấp cho hệ thống Toyota nói riêng, xã hội và nền công nghiệp ôtô Việt Nam nói chung một nguồn nhân lực kỹ thuật viên chất lượng cao. Thông qua T-TEP, học sinh sinh viên có nhiều cơ hội việc làm và khả năng phát triển nghề nghiệp. Ngoài ra, trung tâm T-TEP với cơ sở trang thiết bị hiện đại cũng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô của trường.

Ngoài T-TEP, nhà trường và Toyota đang phối hợp thực hiện chương trình Học bổng Dạy nghề Toyota, tài trợ đào tạo nghề ôtô miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi đồng thời xúc tiến hợp tác với các đơn vị để thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường, góp phần hỗ trợ công tác nghiên cứu, đào tạo và thực tập cho sinh viên. 

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm