Gần 4.000 bệnh nhân nhập viện
Chiều 22/4, Sở Y tế TP HCM đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm triển khai các giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết tại các điểm nguy cơ cao bùng phát dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, tính đến hết tuần 16 của năm 2015, sốt xuất huyết đã khiến 3.895 bệnh nhân phải nhập viện điều trị (tăng 43% so với cùng kỳ năm 2014), 2 ca tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, sở dĩ số ca sốt xuất huyết tăng cao trong đầu năm 2015 do đỉnh dịch sốt xuất huyết đang lùi dần từng năm, năm 2012, đỉnh dịch vào tháng 10-11, năm 2013 đỉnh dịch vào tháng 11-12, năm 2014 đỉnh dịch rơi vào tháng 12 và tháng 1 của năm 2015 và đang hạ nhiệt.
Tuy nhiên, đến nay số ca bệnh vẫn duy trì ở mức cao với khoảng 140 bệnh nhân mới mắc sốt xuất huyết mỗi tuần. Bệnh viện Nhi Đồng 1 trung bình mỗi ngày có khoảng 10-20 ca điều trị sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, khoảng 20 ca sốt xuất huyết nhập viện mỗi tuần. Tại Bệnh viện Các bệnh nhiệt đới TP HCM số ca sốt xuất huyết tăng nhẹ, khoảng 50 ca/tuần trong đó một nửa bệnh nhân là trẻ em.
Khó khăn trong phòng dịch
Tại 8 quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là các quận 2, 7, 10, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Trung tâm Y tế dự phòng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện, công tác phòng chống dịch còn khá nhiều bất cập.
Y tế dự phòng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đã bỏ sót 23 ca sốt xuất huyết trên địa bàn, nhiều phường, xã xử lý ổ dịch chưa đạt, không khoanh vùng hoặc xử lý trễ.
Việc chống dịch ở địa bàn tại một số nơi chưa có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương, không tạo được sự đồng thuận với người dân, người dân không hợp tác trong việc phun thuốc trừ muỗi, diệt loăng quăng, thậm chí đã xảy ra ca xô xát, hành hung nhân viên đi phun thuốc.
TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết, sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế khi dịch bệnh bùng phát, việc kiểm soát sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Từ năm 2010 đến 2014, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm dần nhưng sang năm 2015 bệnh đang có diễn biến khó lường, ngay trong mùa khô sốt xuất huyết đã duy trì ở mức cao vì thế khi bước vào mùa mưa, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Bởi vậy, công tác phòng chống dịch, đặc biệt công tác truyền thông cần phải được đặc biệt quan tâm, giúp người dân ý thức được sự nguy hiểm của bệnh từ đó chủ động kết hợp phòng chống với ngành y tế.