Bị rận mu dù mới 6 tuổi
Viện Sốt rét và Ký sinh trung TP.HCM vừa khám và điều trị cho cháu Nguyễn T.A 6 tuổi, sống tại quận 7, TP. HCM với chứng rận mu. Gia đình cháu T. A cho biết cháu bị ngứa mi mắt cả hai bên và hay chớp mắt.
Nhiều khi ngứa quá cháu dụi mắt và chỉ muốn gãi xung quanh mi mắt. Bố mẹ cháu tưởng con bị nhiễm bụi bẩn nên nhỏ nước muối sinh lý rửa bụi nhưng không ăn thua.
Khi đến bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện mi mắt hai bên của bé đóng vảy, mẩn đỏ, ngứa. Trên đầu bé phát hiện các vảy rải rác, da đầu có các nốt thâm nhiễm, bé hay ngứa về đêm. Mẹ cháu bé kể trước đó người thân trực tiếp bắt được các con côn trùng giống như chấy rận ở hai mi mắt và trên da đầu của bé.
Tại Trung tâm khám bệnh chuyên ngàn, bác sĩ bắt các con côn trùng tại hai mi mắt, gửi mẫu bệnh phẩm lên khoa Côn trùng định loại. Kết quả được cử nhân Lê Tấn Kiệt - Khoa Côn Trùng của viện xác định là loài rận mu (rận háng).
![]() |
Rận mu có thể ký sinh ở mi mắt. |
Bố mẹ cháu bé cho biết thời gian gần đây cháu không đi đâu xa ra khỏi TP.HCM, người nhà không có ai bị bệnh như vậy. Các bác sĩ cho biết có thể cháu bé là một trong những trường hợp mắc bệnh tại chỗ
Chu kỳ phát triển của rận mu
Theo bác sĩ Trần Văn Dũng, rận sống chủ yếu trên cơ quan sinh dục, trứng dài 0,6 - 0,8mm, dính vào lông, tóc hay sợi vải nhờ chất keo. Rận mu đẻ trứng ra môi trường, thườngở gốc lông và sau một tuần nở thành ấu trùng. Ấu trùng lột xác 3 lần trong vòng hai tuần thì trưởng thành. Trong suốt cuộc đời, rận mu đẻ khoảng 50 trứng, vòng đời khoảng một tháng.
Đây là loài côn trùng có chu kỳ phát triển nội sinh, tức hoàn tất vòng đời ngay trên cơ thể ký chủ (con người). Rận có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn (tức ấu trùng và con trưởng thành có hình dáng không khác nhau là mấy). Rận sống được 2 ngàykhông cần ăn và thường gặp ở người ở bẩn, ít tắm rửa. Khi nhiệt độ cơ thể tăng hay giảm, rận sẽ rời vật chủ, đi tìm vật chủ khác.
Theo nghiên cứu dịch tễ học, rận hiện diện khắp nơi trên thế giới và người là ký chủ duy nhất. Nơi sống thích hợp là lông mu. Rận di chuyển rất chậm. Chúng hút máu trong thời gian dài. Nhiệt độ thích hợp từ 15 - 38 độ C nhưng chết khi quá 40 độ C. Nhiệt độ nóng ẩm ở 60 độ C làm trứng chết sau 15 - 30 phút.
Rận thường lây truyền qua giao hợp, nhiễm con trưởng thành, ấu trùng hay nhiễm trứng; nhiễm qua bàn cầu, khăn tắm, khăn trải giường thì hiếm hơn. Bệnh nhân bị rận mu có thể có sốt nhẹ, đau mỏi cơ bắp hoặc nổi hạch cổ, hạch bẹn. Rận mu gây ảnh hưởng tới các sinh hoạt cá nhân, gây khó chịu, làm giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Nếu bị bệnh, có thể quan sát bằng mắt thường sẽ thấy rận mu hoặc trứng bám trên vùng có lông, tóc của cơ thể.
Để phòng tránh loài rận này, cách tốt nhất là thường xuyên vệ sinh, tắm rửa hàng ngày để giữ cho cơ thể sạch sẽ, không cho rận mu môi trường lý tưởng để ký sinh.
Chú ý quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh để tránh lây nhiễm bệnh. Không nên mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không quan hệ tình dục bừa bãi, không mặc quần lót chật, nhất là vào mùa nắng nóng. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô thoáng.
Phương pháp diệt rận hàng loạt ở khu tập thể hay gia đình hiệu quả cao nhất là tẩm hóa chất diệt côn trùng vào chăn, màn, quần áo.
Người dân hay nhân viên y tế đi vào vùng dịch bệnh lưu hành cần mặc quần áo bảo hộ tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng; quần áo trơn láng, bó sát cổ, cổ tay, cổ chân.