Trường tư thục ở TP.HCM chỉ được thu học phí tối đa 9 tháng. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Ngày 15/1, Sở GD&ĐT TP.HCM ra văn bản về việc chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục của các trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất là sở yêu cầu nhà trường thu học phí theo quy định tại điều 12 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, cụ thể là chỉ được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học.
Ngoài ra, các trường ngoài công lập cũng cần công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, theo học kỳ, theo năm học và theo toàn cấp học.
Đối với các trường THPT tư thục có vốn trong nước, sở yêu cầu nhà trường thành lập công đoàn cơ sở và tổ chức hội nghị người lao động hàng năm, đồng thời đảm bảo phải có ít nhất 40% giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên toàn trường.
Khi xây dựng kế hoạch giáo dục, trường phải phân biệt giữa chương trình phổ thông 2006 và chương trình phổ thông 2018 tùy theo khối lớp. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc và cần có 3 tiết/tuần, 105 tiết/năm học.
Khi tuyển sinh, trường cũng cần đảm bảo phải có đủ 3 quyết định là quyết định cho phép hoạt động giáo dục, quyết định giao tuyển sinh 10 và quyết định thành lập hội đồng tuyển sinh 10 do Sở GD&ĐT cấp. Đặc biệt, trường không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép hàng năm.
Còn đối với trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, sở yêu cầu người học là công dân Việt Nam cũng cần thực hiện đủ nội dung giáo dục bắt buộc.
Nhà trường có kế hoạch tuyển sinh không vượt quá số lượng học sinh trong đề án thành lập trường hoặc trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Khi tuyển sinh, trường lưu ý nếu học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục nước ngoài, số học sinh này phải thấp hơn 50% tổng số học sinh theo học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
Về bộ phận lãnh đạo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tư thục có vốn nước ngoài phải có giấy phép lao động theo quy định. Trong trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người biệt phái từ các nước, họ phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về miễn giấy phép lao động.
Về cơ cấu tổ chức, sở yêu cầu các trường cần tách bạch rõ giữa quyền hạn và nhiệm vụ của hội đồng trường, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại thông tư 40/2021/TT-BGDĐT.
Khi tuyển dụng, quản lý lao động là người nước ngoài, các trường phải quản lý giấy phép lao động của nhóm nhân sự này chặt chẽ. Khi nghỉ việc hoặc hết hạn giấy phép lao động, trường phải trả giấy phép lao động cho người nước ngoài trong thời gian quy định. Các trường cũng cần ký hợp đồng lao động cụ thể với những người nước ngoài làm việc tại trường.
Việc đặt biển tên trường cũng được Sở GD&ĐT quản lý chặt chẽ. Theo đó, sở yêu cầu các trường tư thục treo biển đúng tên được ghi trong quyết định cho phép thành lập. Website cũng phải có tên trường đúng với tên ghi trong quyết định.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.