Trả lời báo chí ngày 16/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trước sự lây lan của SARS-CoV-2 thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã cố gắng xây dựng kế hoạch cụ thể về việc cách ly tập trung. Đây vẫn là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cộng đồng cũng như những người phải cách ly.
"Tuy nhiên, khi dịch lan rộng, số lượng các địa điểm cách ly tập trung không đủ đáp ứng. Việc thiếu cơ sở vật chất cũng dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung", Thứ trưởng Sơn nói.
Sẽ thí điểm cách ly F1 tại TP.HCM
Do đó, theo lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp bàn và tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia để xây dựng phương án cách ly tại nhà đối với F1 khi các cơ sở cách ly tập tập trung không còn khả năng đáp ứng. Nhà ở hoặc cơ sở sản xuất cách ly F1 phải đáp ứng đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về y tế, giám sát, giãn cách.
"Trường hợp F1 là công nhân thì không thể cách ly tại nhà trọ vì họ thường ở chung trong không gian nhỏ. Dạng nhà ống không có phòng riêng, nhiều người trong gia đình đi lại thường xuyên cũng không đảm bảo yêu cầu", Thứ trưởng Sơn nêu ví dụ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết TP.HCM sẽ thí điểm cách ly F1 tại nhà thời gian tới. Ảnh: Duy Hiệu. |
Vì thế, sau khi thống nhất, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Môi trường y tế xây dựng kế hoạch cụ thể và có dự thảo chính thức.
"Ngoài yêu cầu về giãn cách, việc cách ly F1 tại nhà phải đảm bảo chăm sóc và theo dõi y tế, xét nghiệm tương tự khu cách ly tập trung. Thời gian tới, có thể thí điểm kế hoạch này tại TP.HCM", ông Sơn cho hay.
Trước đó, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa xảy ra tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã xây dựng, đề xuất phương án cách ly tại nhà cho F1 là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là các bé nhỏ hơn 5 tuổi. Giải pháp này được đánh giá là hợp lý khi việc cách ly tập trung với các trường hợp này mang đến nhiều nguy cơ, khó khăn trong chăm sóc.
Hợp lý nhưng phải làm thật nghiêm
Trao đổi với Zing, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định việc để các F1 cách ly tại nhà là hợp lý nhưng phải thực hiện tuyệt đối nghiêm ngặt. Khi áp dụng, TP.HCM có thể phân loại các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19 để đưa ra biện pháp cách ly phù hợp.
"Với những người có nguy cơ cao, tiếp xúc rất gần F0, chúng ta có thể vẫn đưa họ đi cách ly tập trung để đảm đảm bảo an toàn. Còn những F1 mà nguy cơ không quá lớn có thể được cách ly tại nhà nhưng phải thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng dịch", ông cho hay.
Cách ly F1 tại nhà là giải pháp hợp lý tại TP.HCM lúc này nhưng sẽ cần được thực hiện thật nghiêm. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Theo ông Phu, nếu người dân không thực hiện nghiêm, việc quản lý không tốt, những trường hợp F1 trở thành F0 có thể nhanh chóng lây sang người nhà và lan ra cộng đồng.
Người dân khi cách ly tại nhà phải đảm bảo tuân thủ việc tiếp xúc, đeo khẩu trang, khử khuẩn..., thậm chí quy định về xử lý rác thải y tế. Chính quyền địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng cũng phải hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi những trường hợp này.
Còn PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho rằng TP.HCM phải đảm bảo đủ 4 điều kiện khi thực hiện giải pháp này.
Đầu tiên, người được cách ly phải có kiến thức về dịch Covid-19, đảm bảo thái độ và thực hành phòng tránh lây nhiễm tốt.
Thứ hai, khu vực nhà ở để cách ly phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng riêng. Hiện nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành phố lớn như TP.HCM, cũng có thể đáp ứng những yêu cầu này.
Thứ ba, PGS Nhung nhấn mạnh về kiến thức, thái độ của người phục vụ. Cụ thể, gia đình, người thân khi phục vụ, hỗ trợ trường hợp phải cách ly cần được phổ biến kỹ về nguyên tắc phòng dịch.
"Tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng du di, tình cảm khi có người trong gia đình phải cách ly. Một vài phút chủ quan cũng có thể khiến virus nhanh chóng lây lan ra người nhà và cộng đồng", ông Nhung nói.
Thứ tư, ngành y tế TP.HCM cần thiết lập những phương tiện để đảm bảo kiểm tra, giám sát người cách ly luôn tuân thủ đúng hướng dẫn.
"Nguyên lý của việc phòng dịch là tách được nguồn lây hoặc những người nguy cơ trở thành F0 ra khỏi cộng đồng, từ đó 'chặt đứt' dây chuyền lây nhiễm của virus. Do đó, nếu đảm bảo đủ 4 yếu tố trên, việc cách ly F1 tại nhà có thể đảm bảo an toàn và hỗ trợ tốt cho công tác phòng, chống dịch của thành phố", ông Nhung nói.
Từ 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 1060 người mắc Covid-19, xếp thứ 3 tại Việt Nam, sau Bắc Giang và Bắc Ninh. Ổ dịch lớn nhất liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch diễn biến phức tạp khi xuất hiện nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây.