Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ điều này trong phiên làm việc đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) tại TP.HCM. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.
Nâng mức đáp ứng lên cao nhất
Thứ trưởng Sơn cho biết khi dịch vào Đà Nẵng, ngành y tế đã suy yếu nhiều, Covid-19 tấn công vào nơi đầu não. Trong khi đó, TP.HCM rất tỉnh táo, đặc biệt, thành phố đã phát kịp thời các ca lây nhiễm sân bay Tân Sơn Nhất sau khi dịch bùng phát tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Thứ trưởng đánh giá cao các đơn vị y tế cũng vào cuộc quyết liệt, đến nay đã phát hiện 32 trường hợp mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân thành 2 nhóm: Đội bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và những người trong gia đình, tiếp xúc gần.
Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao công tác truy vết quyết liệt, phát hiện sớm ca bệnh tại TP.HCM. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
"Công tác truy F1, F2 được ngành y tế TP.HCM đã làm quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta cần tăng cường truy vết và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để đánh giá bệnh bùng phát từ lúc nào, ai đã mắc bệnh, lây cho những ai và đến bây giờ đã chặt đứt được chuỗi lây hay chưa", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh vấn đề.
Thứ trưởng đề nghị trong hôm nay, thành viên Tổ thường trực phối hợp các đơn vị y tế TP.HCM để xây dựng cơ chế làm việc, đánh giá tình hình trước khi bắt đầu cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.
Với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị nâng mức đáp ứng lên cao nhất, từ công tác điều trị, xét nghiệm.
"Công tác điều trị TP.HCM làm rất tốt. Với kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch Hải Dương, Đà Nẵng, Sơn Lôi, Hạ Lôi, Trúc Bạch, hy vọng từ sự tư vấn góp ý của chúng tôi, TP.HCM sẽ còn làm tốt hơn thế", ông nói.
Xét nghiệm kháng thể với nhóm bốc xếp ở sân bay
Về công tác xét nghiệm, Thứ trưởng nhấn mạnh ngành y tế TP.HCM cần đẩy mạnh vấn đề rà soát trong cộng đồng, sân bay. Đặc biệt, trong chiều nay, thành phố cần làm nhanh xét nghiệm kháng thể với nhóm bốc xếp ở sân bay. Điều này nhằm lý giải việc bệnh nhân đã tiếp xúc với ai, tại sao F2 dương tính, F1 lại âm.
Đặc biệt, thành phố cần có quy định về thời gian lấy mẫu trong bao lâu, thời gian hoàn thành.
"Công tác lấy mẫu xét nghiệm càng kéo dài, thậm chí, chậm hơn một ngày thì virus đã lây lan nhiều hơn", ông nhấn mạnh.
"Chưa bao giờ có cơ hội Bộ Y tế và ngành y tế TP.HCM phối hợp. Mong rằng các thành viên Tổ đặc biệt nâng cao cảnh giác, đáp ứng cao nhất để mang lại hiệu quả tốt nhất trong phòng chống Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân", Thứ trưởng Sơn nói.
Tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) Nguyễn Tri Thức cho biết đơn vị này có 2 đội cơ động chuyên nghiệp được thành lập từ đầu mùa dịch đến nay. Hai đội này vừa trở về từ Gia Lai, sẵn sàng nhận lệnh từ Bộ Y tế và ngành y tế TP.HCM.
Về điều trị bệnh nhân Covid-19, bệnh viện có thể tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân thông thường và 10 bệnh nhân Covid-19 nặng. Ngoài ra, bệnh viện có thể thực hiện hội chẩn phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, thành lập nhóm hội chẩn thường xuyên, sẵn sàng phối hợp điều trị ca Covid-19 nặng như trường hợp bệnh nhân 91.
Tính từ ngày 27/1 đến sáng 9/2, TP.HCM có 31 bệnh nhân mắc Covid-19. Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 2 người tại quận 10, TP Thủ Đức và 2 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nghi nhiễm. Trong số bệnh nhân mới, 5 người là nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Dịch Covid-19 xảy ra tại 7 quận, huyện ở TP.HCM. Cơ quan chức năng nhận định đây là diễn biến khá phức tạp vì chưa xác định được nguồn lây nhiễm cũng như thời điểm khởi đầu. Do đó, TP.HCM có thể thêm ca lây nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.
Hiện tại, tất cả F1 cách ly tập trung, F2 cách ly nghiêm ngặt tại nơi cư trú. Nhiều địa điểm liên quan ca mắc đã bị phong tỏa.
Đồ họa: Hà My. |