Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng

Theo đánh giá của các chuyên gia, số bệnh nhân tay chân miệng gặp biến chứng nặng ở TP.HCM tăng nhanh.

Đây là thông tin cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Theo cơ quan này, tình hình gia tăng số ca biến chứng tay chân miệng độ nặng trong năm nay tại thành phố tương tự đợt dịch tay chân miệng vào năm 2011.

Nhiều trẻ mắc tay chân miệng biến chứng nặng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số ca tay chân miệng điều trị nội trú tại đơn vị này trong tuần tăng gấp đôi so với những tuần trước. Bệnh viện đang điều trị khoảng 40 ca bệnh nội trú, số lượng khám, và điều trị ngoại trú cũng tăng nhanh.

Chuyên gia này cho biết điểm đặc biệt là năm nay, nhiều trẻ trên 3 tuổi mắc tay chân miệng độ nặng tăng cao hơn trước. Trong khi thông thường, bé dưới 3 tuổi thường có diễn biến nặng nhiều hơn. Tại phòng hồi sức tích cực, nhiều bệnh nhi phải theo dõi đặc biệt do biến chứng như tăng huyết áp.

nguy co bung phat dich tay chan mieng anh 1

Một trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đang tăng lên từng ngày. Các bác sĩ đang điều trị nội trú cho hơn 40 bé với nhiều cấp độ, trong đó nhiều trẻ nhập viện với bệnh cảnh nặng nề do biến chứng thần kinh, tim mạch.

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết đơn vị đang hồi sức và chăm sóc tích cực cho một trẻ 6 tháng tuổi mắc tay chân miệng độ nặng nhất (độ 4b).

Trước đó, bé khởi phát bệnh với biểu hiện giật mình khi ngủ, vài nốt hồng ban trên da nhưng nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch, mạch nhanh, phù phổi, trào bọt hồng, suy thận... May mắn, sau 2 ngày lọc máu, bé qua cơn nguy kịch.

"Số lượng ca mắc tăng và biến chứng nặng đúng như dự đoán của chúng tôi và các chuyên gia vào đầu tháng 4", bác sĩ Vũ nhận định.

TP.HCM đối phó với dịch thế nào?

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011-2013. Trong vòng 6 năm qua, thành phố không có bệnh nhân tay chân miệng tử vong.

Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm nay, số ca bệnh tay chân miệng tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý, số ca tay chân miệng độ nặng (độ 2b trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng.

nguy co bung phat dich tay chan mieng anh 2

Trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ phải lọc máu liên tục để cứu bé. Ảnh: Phương Vũ.

Tại cuộc họp giữa các chuyên gia chuyên ngành bệnh truyền nhiễm chiều 15/4 của Sở Y tế TP.HCM, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết trong thời gian tới, ngành y tế thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông đến người dân về dịch bệnh tay chân miệng.

Thành phố cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế, rà soát lại cơ số vật tư y tế để đối phó nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, cơ quan y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong trường học.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát là tháng 3-5 và tháng 8-9 hàng năm.

Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 17.451 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, 4 trường hợp tử vong tại Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1).

So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tay chân miệng tăng 4 lần, chủ yếu ở khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong vì tay chân miệng. Các bệnh viện cần tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị, nhất là phòng nhiễm chéo với bệnh sởi, viêm phổi và đường hô hấp khác.

Trẻ 6 tháng tuổi nguy kịch do mắc tay chân miệng

Bé nhập viện trong tình trạng tim đập nhanh, lơ mơ, hồng ban trên da. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng nhất.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm