Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM chấn chỉnh quy trình xét nghiệm và truy vết

Đây là động thái nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở TP.HCM thời gian qua trong công tác truy vết, xét nghiệm, vận chuyển và trả kết quả.

Ngày 4/7, trong cuộc họp với UBND, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam đề xuất 2 quy trình giám sát trong tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và điều tra, truy vết các trường hợp liên quan ca mắc Covid-19.

Theo đó, về sơ đồ tổ chức xét nghiệm, sở đề xuất Phó chủ tịch UBND Ngô Minh Châu chỉ đạo chung, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam quản lý chung và Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (HCDC) Phan Thanh Tâm chịu trách nhiệm cung ứng môi trường lấy mẫu, PPE, vật tư tiêu hao, điều phối mẫu về cơ sở xét nghiệm.

Các bệnh viện trên địa bàn thành phố có nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu trong cộng đồng. Các trung tâm y tế địa phương sẽ tổ chức lấy mẫu, truy vết, vận chuyển mẫu về cơ sở xét nghiệm (2 giờ từ khi lẫy mẫu với F1, 24 giờ với F2, người cách ly).

quy trinh kiem soat dich TP.HCM anh 1

Nhân viên y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại một khu dân cư ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Các cơ sở xét nghiệm khẳng định có nhiệm vụ xét nghiệm cho các quận, huyện được phân công và điều phối của HCDC, đồng thời trả kết quả. Trong đó, thời gian cụ thể là 24 giờ với mẫu tầm soát cộng đồng, khoảng 6-10 giờ với F1, 24 giờ với F2 và người cách ly.

Về giám sát và điều tra dịch tễ, sở đề nghị chia làm 2 nhóm gồm phục vụ điều tra truy vết và tầm soát mở rộng.

Kết luận tại cuộc họp, ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng lãnh đạo các quận, huyện cần bình tĩnh và tập trung giám sát, điều tra dịch tễ, tổ chức lại các hoạt động phòng, chống dịch.

"Việt xét nghiệm, truy vết và khoanh vùng cần được tổ chức lại, khoa học và nhịp nhàng hơn", ông Châu nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhận định việc lấy mẫu phải đúng diện, công việc có người chịu trách nhiệm, trả kết quả đúng hạn. Ngoài ra, cách giao mẫu cũng cần thay đổi, mỗi ngày 3 lần, đảm bảo máy xét nghiệm chạy đều.

Sở Y tế TP.HCM đề xuất quy trình điều tra dịch tễ với 5 bước:

Bước 1: Thông báo F0.

Bước 2: Điều tra F0, xác định mốc dịch tễ.

Bước 3: Chuyển mốc dịch tễ với sự tham gia của các trung tâm y tế, HCDC.

Bước 4: Lập danh sách F1 tại từng mốc dịch tễ.

Bước 5: Tổ chức cách ly F1.

Ngày 26/5, TP.HCM phát hiện ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, mở đầu đợt bùng phát dịch lần 4 có mức độ lan rộng và phức tạp nhất. Từ ngày 17/6 đến nay, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM duy trì ngưỡng trên 3 số. Đặc biệt, trong ngày 25/6 và 3/7, TP.HCM vượt ngưỡng 700 bệnh nhân, trở thành địa phương có số ca nhiễm đông nhất trong các bản tin phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm