Trong bối cảnh phòng ngừa dịch Covid-19, ngày khai giảng tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự, diễn ra trong 60 phút. Mỗi lớp từ 10 đến 20 em. Học sinh đầu cấp tham gia đầy đủ.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên phụ trách. Lễ khai giảng đảm bảo chu đáo, an toàn, ngắn gọn.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa. Ảnh: Hoàng Việt. |
Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức “Bé vui đến trường” linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Để chuẩn bị cho năm học mới, sở yêu cầu các trường rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Các trường lưu ý công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trường tiểu học xem xét bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Trước đó, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi tới giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020-2021.
Lễ khai giảng căn cứ vào tình hình dịch sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Những địa phương thực hiện giãn cách xã hội sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến. Hoạt động đón học sinh đầu cấp được tổ chức như tìm hiểu truyền thống, các hoạt động, chương trình giáo dục, phương pháp rèn luyện của nhà trường.
Tại Hà Nội, đối với các trường có sân rộng, học sinh toàn trường có thể tham gia nhưng phải đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào trường. Trường không đủ cơ sở vật chất thì chỉ ưu tiên cho học sinh đầu cấp.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu không được tổ chức diễu hành đón học sinh đầu cấp, không thả bóng bay, không tập trung học sinh tập luyện trước cho buổi lễ và không tổ chức biểu diễn văn nghệ.