Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng đối tượng đi học trực tiếp

Sau khi đánh giá kết quả 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp với khối 9 và 12, TP.HCM sẽ xem xét mở rộng cho những lớp khác được đến trường.

Tình hình dạy học trực tiếp cho khối 9 và 12 tại TP.HCM được đánh giá an toàn. Nhiều trường học ghi nhận rải rác các ca F0 nhưng đều được xử lý an toàn, không ảnh hưởng đến việc dạy học.

Phụ huynh cũng dần tin tưởng hơn với các biện pháp phòng dịch của các trường học. Minh chứng là tỷ lệ học sinh đến trường trong tuần thứ hai đã đạt 96%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ ban đầu được khảo sát (gần 80%).

mo cua truong o TP.HCM anh 1

Tỷ lệ học sinh đến trường trong tuần thứ hai thí điểm đã cao hơn nhiều so với thời điểm ban đầu khảo sát ý kiến phụ huynh. Ảnh: Chí Hùng.

Học sinh cần được đến trường

Sau gần 2 tuần học sinh lớp 12 đến trường, thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), cho biết việc học trực tiếp cần thiết cho học sinh. Học sinh được giao tiếp, trao đổi, chất lượng dạy học, tiếp thu kiến thức tốt hơn hẳn.

"Phụ huynh các khối khác cũng rất mong con được đi học lại. Trong tình hình này, chúng ta không thể lo sợ và trì hoãn mãi được", ông nói.

Thầy Phước cho biết trong gần 2 tuần học trực tiếp, trường ghi nhận 4 trường hợp học sinh F0, đa số được phát hiện ở nhà. Khi phát hiện con mắc Covid-19, phụ huynh thông báo cho nhà trường. Ngay lập tức, trường liên lạc cho phụ huynh những học sinh ngồi gần F0 và nhờ phụ huynh tự xét nghiệm nhanh cho con trước. Gia đình nào không có điều kiện, học sinh sẽ tới trường để được xét nghiệm.

Để an toàn, tùy trường hợp, trường THPT Võ Thị Sáu xét nghiệm nhanh cho học sinh F1 2-3 lần trong những ngày sau. Do đó, chi phí xét nghiệm cho học sinh là không nhỏ.

Hiệu trưởng nhà trường cho rằng về lâu dài, khi khối 10 và 11 đi học lại, vấn đề chi phí xét nghiệm cho F1 là điều khiến trường lo lắng. Trong 2 tuần qua, nhà trường đã tự mua sắm que xét nghiệm nhanh Covid-19, số tiền này gần 10 triệu đồng.

"Chúng tôi được biết sở giáo dục đã đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ que xét nghiệm nhanh cho các trường nên rất mong sẽ sớm nhận được hỗ trợ, đặc biệt khi học sinh các khối khác chuẩn bị đi học trực tiếp trong thời gian tới", thầy Phước nói.

Mặt khác, việc đảm bảo giãn cách khi cả 3 khối 10, 11, 12 đi học lại cũng là điều thầy Phước băn khoăn. Hiện nay, cả trường chỉ có khối 12 đến lớp, mỗi lớp được tách đôi để đảm bảo khoảng cách. Nhưng khi các khối khác cũng trở lại trường, số lượng phòng học không thể nào đáp ứng để tách lớp.

Cô Lê Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) thừa nhận chi phí mua que xét nghiệm nhanh Covid-19 và khoảng cách an toàn giữa các học sinh là vấn đề chung của nhiều trường khi các khối khác cùng đi học lại.

"Khi cả trường đồng loạt đi học lại, gần như chắc chắn chúng ta không thể nào thực hiện tách lớp. Hiện nay, việc tách lớp cũng phần nào gây mệt mỏi cho giáo viên và ảnh hưởng đến hiệu quả của tiết học. Về lâu dài, đây là vấn đề khó cho các trường", cô Dung cho hay.

Trong thời gian dạy học trực tiếp vừa qua, trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) có ghi nhận trường hợp F0 là học sinh. Nhờ đã phổ biến kỹ lưỡng những hướng dẫn xử lý F0 từ trước, các bộ phận trong trường đều phối hợp xử lý hiệu quả. Học sinh, phụ huynh không bị hoang mang.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, cho biết nhờ vận dụng kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trong dịch của năm trước, nhà trường phân chia khối lượng công việc ổn thỏa, không gây quá tải cho giáo viên khi phải tách lớp học.

Mỗi lớp học vẫn tách thành hai phòng, giáo viên dạy trực tiếp một bên và phát trực tiếp cho phòng còn lại bằng hệ thống dạy học trực tuyến của trường. Học sinh phát biểu, có ý kiến đều có thể trao đổi ngay tại chỗ qua hệ thống, giáo viên không cần đi qua lại giữa 2 phòng. Trường cử một số giáo viên khác hỗ trợ quản lý các phòng không có giáo viên. Sau một tuần, hai phòng học của một lớp được hoán đổi với nhau để đảm bảo công bằng cho học sinh.

Cô Vân cho rằng khi cả trường đi học đồng loạt, việc tách phòng có thể khó khăn. Do đó, nhà trường tính đến phương án chia ca cho 3 khối.

mo cua truong o TP.HCM anh 2

Các trường đánh giá 2 tuần dạy học trực tiếp có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lập thói quen phòng dịch cho học sinh. Ảnh: Chí Hùng.

Các trường phải chuẩn bị sẵn sàng

Tại buổi họp giao ban công tác triển khai các hoạt động về phòng chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục mới đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp khác đi học trở lại.

Trong đó, các địa phương bắt đầu tính toán đến các yếu tố ảnh hưởng, nội dung đảm bảo các cơ sở còn lại được đưa vào hoạt động. Đối với những cơ sở chưa tổ chức dạy học trực tiếp, các địa phương tập trung hỗ trợ các trường này xây dựng kế hoạch an toàn phòng, chống dịch.

Ông Dũng yêu cầu các trường sẵn sàng trong tâm thế khi thành phố có quyết định, trường phải có kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai dạy học trực tiếp.

Hiện nhiều cơ sở giáo dục ở thành phố Thủ Đức, quận Củ Chi, Gò Vấp vẫn còn được trưng dụng phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ông Dương Trí Dũng đề nghị trưởng phòng GD&ĐT của 3 địa phương này có kế hoạch cụ thể, làm sao đảm bảo việc thu hồi các cơ sở giáo dục theo kế hoạch và tổ chức sửa chữa để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới.

Trước các tình huống phát sinh liên quan đến dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường, Phó giám đốc Dương Trí Dũng lưu ý từng quận huyện phải tiếp tục theo dõi hoạt động của các nhà trường, kịp thời tham mưu cho địa phương, có chỉ đạo điều chỉnh nếu có.

Các nhà trường phải thường xuyên đánh giá tình hình biến động học sinh khi đi học trở lại, xem xét từng lý do nghỉ học của học sinh, thường xuyên có trao đổi với y tế địa phương.

Sau 2 tuần thí điểm, học sinh khối 9, 12 của TP.HCM tiếp tục tới lớp

Sau ngày 27/12, học sinh khối 9 và 12 vẫn học trực tiếp. Thành phố tiếp tục xem xét việc cho những khối lớp khác trở lại trường.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm