TP.HCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Cụ thể, trong công văn vừa ban hành của UBND TP.HCM cho biết đã có 3 ca không qua khỏi do bệnh sởi, với hơn 500 ca mắc. Trước bối cảnh đó, thành phố chính thức công bố dịch sởi đã xảy ra trên toàn thành phố. Thời điểm xảy ra dịch sởi là tháng 8/2024. Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn thành phố.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi (Polynosa morbillorum) gây ra. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể không qua khỏi nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Bệnh sởi chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Để phòng chống lây nhiễm dịch bệnh, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan ban ngành, người dân thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó thành phố sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Phòng cách ly, điều trị trẻ mắc bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Thành phố thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vaccine Sởi - Rubella không kể tiền sử tiêm chủng vaccine Sởi - Rubella trước đó cho tất cả trẻ em từ 1-5 tuổi đang sống tại thành phố. Cơ quan chức năng có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.
Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
UBND TP.HCM giao giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai các biện pháp, phòng chống dịch.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị gửi UBND TP.HCM công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, 9 quận huyện đủ điều kiện công bố dịch sởi.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ ngày 19/8 đến ngày 25/8 (tuần 34), tại TP.HCM ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại thành phố, trong đó 20 ca dương tính (23,5%), 44 ca không lấy mẫu (51,8%), 17 ca chưa có kết quả (20,0%) và 4 ca âm tính (4,7%).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca, cụ thể có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 02 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%).
Nguồn: HCDC. |
Sởi là bệnh truyền nhiễm lưu hành nhiều nước trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 100 triệu người mắc và 6 triệu người không qua khỏi vì bệnh sởi. Dịch sởi thường gặp ở các khu dân cư đông đúc và có tính chu kỳ khoảng từ 2-3 năm.
Bệnh lây truyền rất nhanh từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi, họng của bệnh nhân.
Để con được ốm
Cuốn sách Để con được ốm giúp các bậc phụ huynh trang bị kiến thức trong việc chăm sóc trẻ một cách khoa học. Trong sách, tác giả chỉ ra những lầm tưởng của cha mẹ khi chăm sóc con. Đó có thể là những vấn đề phổ biến, trở thành thói quen thường nhật, song thực ra là lầm tưởng tai hại với các hiện tượng sức khỏe của trẻ như: Táo bón, tắm nắng, dùng kháng sinh, chảy mũi xanh…
Những vấn đề bệnh tật cụ thể trẻ thường gặp như ho, sốt, cảm lạnh… được nêu trong sách. Với mỗi bệnh thường gặp đó, sách phân tích nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị khoa học.