Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/5 tại TP.HCM. Đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai sự kiện tôn giáo - văn hóa có quy mô lớn nhất của cộng đồng Phật giáo toàn cầu, sau 3 kỳ tổ chức thành công vào các năm 2008, 2014 và 2019.
Đại lễ năm nay mang ý nghĩa đặc biệt, đúng vào dịp đất nước kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện vai trò ngày càng lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đời sống quốc tế và khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ đề chính của Vesak 2025 là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
![]() |
Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - nơi diễn ra các hoạt động chính của Vesak 2025. Ảnh: Chí Hùng. |
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), cho biết được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, các bộ, ngành, địa phương, cùng sự chỉ đạo của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các công việc chuẩn bị tổ chức Đại lễ đến nay đã cơ bản hoàn tất.
Đến ngày 16/4, hội trường chính của Đại lễ với sức chứa 2.700 chỗ ngồi đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng dựng thêm một hội trường phụ với sức chứa khoảng 1.000 chỗ ngồi để đồng bào Phật tử có thể theo dõi sự kiện qua màn hình trực tiếp, vừa bảo đảm không khí trang nghiêm nhưng vẫn an toàn.
Sự kiện dự kiến quy tụ khoảng 1.200 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng khoảng 1.500 đại biểu trong nước. Trong đó có sự hiện diện của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các vị cao tăng, học giả uy tín, cùng nhiều nguyên thủ quốc gia được mời tham dự.
Đại lễ cũng chào đón hàng chục vạn Phật tử, du khách đến chiêm bái và tham gia chuỗi sự kiện kéo dài từ ngày 2 đến 9/5.
Các hoạt động chính của Vesak sẽ diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh), với lễ khai mạc ngày 6/5, hội thảo khoa học quốc tế ngày 7/5 và lễ bế mạc ngày 8/5. Bên cạnh đó là chuỗi sự kiện văn hóa, triển lãm, lễ hội hoa đăng, giao lưu nghệ thuật quốc tế tại Nhà hát Sala (TP Thủ Đức) và các lễ tôn trí Xá lợi Phật tại nhiều địa điểm tâm linh nổi tiếng.
![]() ![]() ![]() ![]() |
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên núi Bà Đen, Tây Ninh, ngày 12/2. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại lễ năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên xá lợi Phật - bảo vật quốc gia của Ấn Độ - được cung rước và chiêm bái trên diện rộng tại Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni (bảo vật quốc gia Ấn Độ) sẽ được tôn trí tại:
- Chùa Thanh Tâm - Học viện Phật giáo Việt Nam, công viên Láng Le (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) ngày 2-8/5;
- Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) ngày 8-13/5;
- Chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày 13-16/5;
- Chùa Tam Chúc (Hà Nam) ngày 17-21/5.
- Sau đó xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được đưa trở về lại Ấn Độ.
Đồng thời, Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức cũng sẽ được tôn trí, tôn vinh tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam suốt hơn 2.000 năm lịch sử.
Cụ thể các hoạt động chính tại Vesak 2025:
- Ngày 2/5: Cung rước và tôn trí xá lợi Phật bảo vật quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm, khuôn viên công viên Láng Le và Học viện Phật giáo Việt Nam cơ sở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
- Ngày 3/5: Lễ khai mở chiêm bái xá lợi Phật bảo vật quốc gia Ấn Độ tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10).
- Ngày 4/5: Khai mạc các sự kiện triển lãm văn hóa Phật giáo tại khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam.
- Ngày 6/5: Khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025.
- Ngày 7/5: Phiên hội thảo khoa học quốc tế của Đại lễ Vesak.
- Ngày 8/5: Bế mạc Đại lễ Vesak, chiều tham quan tại Khu văn hóa SunWorld núi Bà Đen (Tây Ninh), tối trở về TP.HCM.
- Ngày 9/5: Tiễn các đại biểu quốc tế về nước.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'