Đề nghị này được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra sáng 28/8.
Ông Dương Anh Đức cho hay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, học sinh tại TP.HCM không thể bắt đầu năm học bằng hình thức truyền thống. Trong thời gian này, giáo dục trung học bắt đầu năm học từ 1/9. Khối tiểu học bắt đầu muộn hơn một tuần.
TP.HCM đề xuất kéo dài thời gian năm học, nhất là với lớp 1, lớp 2. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Khối tiểu học sẽ dành 10 ngày đầu để giáo viên tổ chức lớp, hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức.
Thành phố lên kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế và sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi có điều kiện.
Tuy nhiên, theo phó chủ tịch UBND TP.HCM, dịch bệnh có thể kéo dài. Phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế được hình thức học trực tiếp. Vì thế, TP.HCM đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2.
Về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ông Dương Anh Đức nói thêm thành phố sẽ triển khai tiêm vaccine cho 100% giáo viên trước năm học mới và tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi phù hợp khi có điều kiện.
Thành phố cũng gặp khó khăn khi công tác phát hành sách giáo khoa bị chậm, nhất là với lớp 2 và lớp 6 - hai khối lớp bắt đầu chuyển sang dạy học bằng sách giáo khoa mới.
Nhằm khắc phục khó khăn này, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn về việc tạo điều kiện cho việc phát hành sách giáo khoa phục vụ năm học mới 2021-2022. Ngoài ra, thành phố chỉ đạo việc sử dụng sách điện tử cho thời gian đầu.
Ngoài ra, thành phố yêu cầu các trường trao đổi phụ huynh để nắm thông tin về việc chuẩn bị thiết bị cho học sinh học online, kết nối mạnh thường quân, hỗ trợ những em khó khăn.
TP.HCM cũng đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí, chỉ đạo các trường tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu. Thành phố quan tâm đến giáo viên, tham mưu để có chính sách hỗ trợ các thầy cô gặp khó khăn do dịch bệnh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Bộ GD&ĐT có phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhất là những em gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trước đó, trong nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đặt ra nhiệm vụ huy động các nguồn lực để thực hiện hỗ trợ học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.