Sáng 26/10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức tập huấn cho Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện, nhân viên bệnh viện, phòng khám, về vấn đề tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em, khám sàng lọc trước tiêm, xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức công tác cấp cứu phục vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ trên địa bàn thành phố.
Điểm cầu chính do lãnh đạo phòng Nghiệp vụ y, Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) chủ trì, tại Trung tâm điều hành thông tin Sở Y tế TP.HCM. Số lượng học viên là các nhân viên y tế tham dự trực tuyến khoảng hơn 3.000 người.
Quận 1 và Củ Chi khởi động chiến dịch
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết Sở dự kiến khởi động tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở quận 1 và huyện Củ Chi vào ngày mai (27/10).
Trong hôm nay, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục hai địa phương này rà soát, nếu đáp ứng các điều kiện, đảm bảo an toàn sẽ triển khai.
Bác sĩ Hưng cho biết hiện tại, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chính thức loại vaccine nào được chỉ định tiêm chủng cho trẻ em trong nước. Tuy nhiên, hiện thành phố có Pfizer, loại vaccine được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm theo lứa tuổi này.
TP.HCM sử dụng vaccine Pfizer (vaccine Comirnaty) để tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Việc tập huấn liên quan các vấn đề chuyên môn, dù vaccine nào đi nữa thì cũng thực hiện tập huấn an toàn trước khi triển khai tiêm chủng", bác sĩ Hưng nói.
Đồng thời, ngành y tế thành phố cũng song song phối hợp ngành giáo dục và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) để lập danh sách các điểm tiêm. Trung tâm Y tế các quận, huyện dự trù về số lượng trẻ tiêm từng ngày.
Trẻ em tại thành phố sẽ được tiêm mũi 1 trong 5 ngày, tiêm vét trong 2 ngày. Mũi 2 tiêm trong 7 ngày, sau khi các cháu đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 liều, ưu tiên tiêm trước cho lứa tuổi 16-17 và hạ dần độ tuổi.
Tại buổi tập huấn, các vấn đề liên quan sàng lọc tiêm chủng, trường hợp chống chỉ định, hướng dẫn xử lý an toàn sau tiêm chủng lần lượt được các nhân viên y tế đặt ra và giải đáp. Loại vaccine được hướng dẫn tập huấn là Pfizer.
Ngoài các vấn đề liên quan chuyên môn, trong buổi tập huấn, Sở Thông tin và Truyền thông cũng nêu ra nhiều hướng dẫn về công tác nhập dữ liệu thông tin lên hệ thống tiêm chủng. Đội ngũ nhập dữ liệu trong đợt này có cả giáo viên.
Chuẩn bị chu đáo, không áp lực thời gian
Phát biểu tổng kết buổi tập huấn, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh đây là chiến dịch quan trọng, không chỉ bảo vệ trẻ em mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe, an toàn chung cho cả xã hội, trong tình hình dịch thành phố ổn định nhưng có nhiều nguy cơ.
"Mong muốn của thành phố là tiêm ngừa cho các cháu càng sớm càng tốt, tuy nhiên, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu. Dù sự chuẩn bị có chu đáo đến đâu đi nữa mà khâu an toàn không đảm bảo thì cũng không thể triển khai được", bác sĩ Hưng nói.
Dự kiến các trẻ 16-17 tuổi ở TP.HCM sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19 trước, sau đó giảm dần độ tuổi. Ảnh minh họa: Nhật Sinh. |
Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM đề nghị chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em tại thành phố sẽ diễn ra chu đáo, không vì áp lực thời gian mà triển khai gấp rút. Bác sĩ Hưng cũng nêu lên 6 lưu ý bao gồm:
Thứ nhất, các trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện sẽ là đầu mối, phối hợp ngành giáo dục, tham mưu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để tổ chức triển khai giám sát toàn bộ chiến dịch trên địa bàn.
Các trung tâm y tế, phòng y tế căn cứ vào yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM để triển khai kế hoạch chi tiết cho việc chủng tiêm hàng ngày. Các nội dung bắt buộc trong kế hoạch này địa chỉ điểm tiêm, tổng số lượng trẻ dự kiến tiêm chủng, số lượng trẻ dự kiến tiêm hàng ngày.
Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các địa phương lập danh sách đội tiêm, bao gồm cả những người làm công tác tổ chức, tham gia hỗ trợ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự.
"Địa phương nào chưa có kế hoạch chi tiết thì sẽ không được tổ chức", Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.
Thứ hai, các Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ vào số lượng trẻ dự kiến tiêm trên địa bàn mà và gửi về HCDC để cung ứng vaccine. Đặc biệt các vấn đề liên quan dây chuyền lạnh, sử dụng vaccine an toàn, hợp lý, nếu xảy ra thừa vaccine sau buổi tiêm thì xử lý thế nào...
Thứ ba là công tác nhập dữ liệu. Theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, các nhân viên cần hướng dẫn cho giáo viên và phân công người nhập số liệu chính xác lên hệ thống tiêm chủng.
Thứ 4, HCDC sẽ tổ chức kiểm tra công tác tiêm chủng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết tất cả nội dung liên quan chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em được thực hiện dưới sự chỉ đạo chung của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Thứ 5, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp kiểm tra công tác chuẩn bị. HCDC, với vai trò chịu trách nhiệm chuyên môn, sẽ cử một đội giám sát trên từng địa bàn, hàng ngày báo cáo về Sở Y tế, kể cả trường hợp đột xuất.
Thứ 6, ông Hưng nói về thời gian triển khai tiêm chủng. Cụ thể, hiện nay, Sở Y tế TP.HCM đã chuẩn bị để tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã giao lại cho các Viện vệ sinh Dịch tễ, Viện dịch tễ, Viện Pasteur..., trực thuộc hướng dẫn các địa phương về loại vaccine sử dụng, hướng dẫn sàng lọc. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản xin kiến của Viện Pasteur TP.HCM, đồng thời phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM để chuẩn bị tổ chức tiêm chủng.
Dự kiến chiều nay, các đơn vị sẽ kiểm tra tại quận 1 và Củ Chi. Nếu đủ điều kiện an toàn thì sẽ triển khai tiêm chủng, xem như khởi động chiến dịch chứ không phải thí điểm.
Tuy nhiên, chiến dịch chỉ được tổ chức với điều kiện Viện Pasteur TP.HCM có hướng dẫn tiêm chủng cho Sở Y tế TP.HCM thực hiện. Nếu chưa có hướng dẫn từ Viện Pasteur TP.HCM thì mọi thứ ở tâm thế sẵn sàng nhưng thời điểm phù hợp để triển khai.
"Việc chuẩn bị hiện tại là công việc của các địa phương, còn khi nào có hướng dẫn của Viện Pasteur TP.HCM thì mới chính thức triển khai, trên tinh thần khẩn trương, chặt chẽ, an toàn là điều kiện đầu tiên cần đặc biệt quan tâm", bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.
Chiều 25/10, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản khẩn đến Viện Pasteur TP.HCM để xin ý kiến tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi.
Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể loại vaccine cũng như hướng dẫn khám sàng lọc trước khi tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Trong khi chờ Bộ Y tế hướng dẫn, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Viện Pasteur TP.HCM chấp thuận cho phép sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi và hướng dẫn, tập huấn chuyên môn.
Để đảm bảo căn cứ chuyên môn khi tổ chức tiêm vaccine cho nhóm trẻ này, Sở Y tế mong Viện trưởng Viện Pasteur sớm xem xét và có ý kiến chỉ đạo để TP.HCM có cơ sở thực hiện.