TP.HCM ghi nhận 2 ca mắc bệnh sởi ở trẻ từ 13-15 tháng tuổi. Ảnh minh họa: ABC News. |
Tối 27/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong ngày 25 và 26/5, hệ thống giám sát sốt phát ban nghi sởi của thành phố ghi nhận 2 trẻ mắc bệnh sởi, ngụ quận Bình Tân. Bệnh cảnh chính của 2 trẻ đều là sốt trước khi phát ban vài ngày, kèm theo các triệu chứng viêm hô hấp.
Trường hợp thứ nhất là bé gái 13 tháng tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 20/5 với triệu chứng sốt ở ngày thứ 6, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng. Sau khi khám, xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sởi biến chứng viêm phổi.
Hiện trẻ tỉnh, không sốt, ăn uống được, ho ít, kết mạc mắt giảm sưng đỏ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ca bệnh thứ hai là bé trai 15 tháng tuổi, ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 24/5 với triệu chứng sốt ở ngày thứ 4, sổ mũi, ho đàm, tiêu lỏng, xuất hiện hồng ban rải rác ở vùng tai, mắt, mình.
Trẻ được chẩn đoán bị sởi, viêm phổi bội nhiễm, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực bệnh viện. Hiện bé còn sốt cao, ho đàm tăng, thở oxy qua cannula .
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về 2 ca bệnh này, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận Bình Tân điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng.
Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu, chưa phát hiện mối liên quan giữa 2 trường hợp này cũng như chưa phát hiện thêm ca bệnh mới tại nơi trẻ sinh sống và đi học.
Cả 2 trẻ này đều chưa được tiêm chủng đầy đủ theo lịch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Gia đình cho biết lý do là trẻ thường bị bệnh và cha mẹ đi làm xa nên không đưa đi tiêm.
Sở Y Tế TP.HCM kêu gọi phụ huynh đưa con đến các trạm y tế để tiêm vaccine phòng sởi. Ngoài ra, người dân cũng lưu ý thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sởi:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao khoa học để nâng cao sức đề kháng.
- Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ sởi như sốt, phát ban và viêm long ho hấp (ho, chảy nước mũi, …).
- Khi có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.