Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM gia tăng ca mắc Covid-19 diễn biến nặng

Hầu hết ca mắc Covid-19 nặng, nguy kịch, phải thở máy ở TP.HCM là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền. Một số bệnh nhân thậm chí chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 diễn biến nặng tại TP.HCM tăng cao. Ảnh: jan_kopriva.

Từ đầu tháng 9 đến nay, khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, điều trị trung bình mỗi ngày 30-40 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó, số ca thở máy xâm lấn là 4-5 trường hợp.

Theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, trong 1-2 tuần trở lại đây, bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải thở máy xâm lấn nhiều hơn so với đầu tháng 9.

Nếu 2 tuần trước chỉ có 5 bệnh nhân thở máy xâm lấn thì nay đã lên tới 7 người. Số bệnh nhân bệnh nặng ở đây cũng dao động từ 10 đến 15 người.

ca mac covid-19 nang anh 1

Bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Ngày 6/9, một bệnh nhân nam 94 tuổi, ngụ quận Bình Tân, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng suy hô hấp, khó thở. Bệnh nhân có bệnh nền cao huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy thận mạn tính.

Người nhà cho biết ông cụ không tiêm vaccine phòng Covid-19 do sợ tai biến. Bệnh nhân được cho thở máy không xâm lấn. Đến nay, sau hơn 2 tuần được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có thể tiếp xúc. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải thở máy không xâm lấn.

Tương tự, một trường hợp bệnh nhân nữ khác cũng 94 tuổi đang trong phòng Hồi sức cấp cứu, khoa Nhiễm D, vẫn phải thở máy sau một tuần điều trị tích cực. Bệnh nhân này có bệnh nền đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu não và cũng chưa tiêm vaccine Covid-19.

Thực tế cho thấy Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hiện là đơn vị tiếp nhận nhiều ca bệnh mắc Covid-19 nặng nhất của TP.HCM. Còn hầu hết ca mắc Covid-19 nhẹ nằm điều trị tại các bệnh viện khác của TP.HCM, có khu cách ly để điều trị cho người mắc Covid-19.

Phân tích các ca mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết hầu hết ca phải thở máy ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt có bệnh nhân lên đến hơn 90 tuổi. Những bệnh nhân cao tuổi này lại không được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng có những người đã chích ngừa 2-3 mũi nhưng sau 6 tháng không tiêm nhắc lại. Lúc đó nồng độ kháng thể sau tiêm bắt đầu giảm, khi mắc Covid-19 rất dễ diễn biến nặng.

Do đó, bác sĩ Phong khuyến cáo mọi người đã chích ngừa 2-3 mũi nên chích ngừa nhắc lại mũi tiếp theo để tăng cường miễn dịch, đặc biệt những người trên 60 tuổi có nhiều bệnh lý nền thường gặp như: Tiểu đường, cao huyết áp, phổi mạn tính, bệnh thận nặng và cả những người bị HIV và ung thư.

"Hầu hết ca mắc Covid-19 nhập viện suy hô hấp rơi vào đối tượng lớn tuổi và nhiều bệnh lý nền, còn những bệnh nhân trẻ tuổi đã chích ngừa vaccine đầy đủ, khi nhiễm triệu chứng cũng nhẹ. Bệnh nhân sẽ tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày. Do đó, vấn đề chích ngừa rất quan trọng. Mặc dù hiện tại biến chủng mới có mức độ lây lan rất nhanh, những người được chích ngừa vaccine đầy đủ sẽ không sợ diễn biến nặng", bác sĩ Phong cho hay.

ca mac covid-19 nang anh 2

Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Là một chuyên gia truyền nhiễm, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết ông cũng có những tiên lượng dịch Covid-19 sẽ gia tăng trở lại sau khoảng một thời gian im ắng.

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, trong tháng 8, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ghi nhận 41 trường hợp mắc Covid-19 phải nằm nội trú và 100% bệnh nhân mắc bệnh nền.

Trong số 41 ca mắc Covid-19, 21 trường hợp nặng và nguy kịch. Đáng chú ý, 7 trường hợp mắc Covid-19 đã tử vong, trong đó, 4 người bị ung thư giai đoạn cuối.

Theo thống kê, trong 21 trường hợp nặng và nguy kịch, tuổi trung bình bệnh nhân là 69 tuổi, trong đó, người trẻ nhất là 56 tuổi, người già nhất là 89 tuổi.

Các bệnh nhân này đều có ít nhất một bệnh nền. Và trong số đó chỉ có 28% bệnh nhân đã chích 3 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19, còn lại 72% tiêm 2 mũi trở xuống (trong đó khoảng 25% chưa tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 nào).

Trước thực tế nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi 2, mũi 3 nghĩ là đã có kháng thể trong người phòng Covid-19 nên e ngại không tiêm vaccine nữa, TS.BS Lê Quốc Hùng chia sẻ hiện nay, khả năng bảo vệ của các vaccine như Pfizer, Moderna chỉ từ 3 đến 6 tháng, có nghĩa là người được chích vaccine chỉ được bảo vệ trong một khoảng thời gian, sau đó, hiệu lực của vaccine sẽ giảm dần và mất đi.

"Nếu chúng ta đối phó không tốt, có thể, đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài. Và không có cách nào đối phó tốt hơn trong thời điểm hiện tại là tiêm vaccine", TS.BS Lê Quốc Hùng cho hay.

Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga

Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.

https://suckhoedoisong.vn/tphcm-gia-tang-ca-mac-covid-19-nang-phan-lon-co-benh-nen-chua-tiem-vaccine-169220923154539555.htm

Kim Vân / Sức khỏe Đời sống

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm