Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ).
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia châu Á, việc đưa ra biện pháp phòng ngừa và chủ động kế hoạch ứng phó là điều cần thiết.
Căn cứ vào yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, ngày 25/7, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sẽ giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả người nhập cảnh.
Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ), kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để được kiểm tra, theo dõi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
Sàng lọc tại các cơ sở y tế
Theo hướng dẫn mới của Sở Y tế TP.HCM, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).
Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Với bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn thành phố), khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc (bệnh viện bố trí buồng khám dự phòng để khám sàng lọc, phân công nhân sự sẵn sàng khám sàng lọc khi có trường hợp nghi ngờ cần khám).
Tăng cường giám sát các cửa khẩu, sàng lọc tại cơ sở y tế và truyền thông cộng đồng được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này. Ảnh minh họa: Reuters. |
Nếu là trường hợp nghi nhiễm, cần lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; các trường hợp có thể nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện; các trường hợp xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được giao phối hợp Đơn vị nghiên cứu lâm sàng - Đại học Oxford (OUCRU) để tiến hành nghiên cứu ca lâm sàng đối với các trường hợp có thể.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng.
Về công tác truyền thông, Sở Y tế TP.HCM huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế, mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (như cộng tác viên dân số, tình nguyện viên tham gia chương trình sức khỏe cộng đồng…).
Ngoài ra, các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám, điều trị HIV/AIDS cũng được huy động tham gia truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đối với nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Các tổ chức này sẽ tham gia công tác truy vết khi có trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ trên địa bàn TP.HCM.
Từ 1/1 đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó, 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.
Ngày 23/7, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.
Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.
Ngày 24/7/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Y tế một số thành phố lớn, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).