Khi TP.HCM bắt đầu gỡ bỏ rào chắn, chốt kiểm soát để chuẩn bị bước sang giai đoạn “bình thường mới”, Thanh Thảo (21 tuổi, huyện Hóc Môn) thấy vừa mừng, vừa lo.
Trước đó, giữa tháng 8, 10 người trong gia đình Thảo, gồm con gái mới 6 tháng tuổi của cô, đều mắc Covid-19.
May mắn tất cả hồi phục sau 18 ngày tự chữa ở nhà.
“Mình vui vì mọi người có thể trở lại công việc để lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Nhưng mình cũng sợ vì bản thân và gia đình đã rất vất vả mới qua được đợt này”, cô nói với Zing.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, sau ngày 30/9 sẽ không còn chốt chặn như trước nhưng Công an TP vẫn duy trì chốt lưu động, kiểm tra, giám sát và tuần tra để đảm bảo an toàn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Sau 4 tháng giãn cách, nhiều người dân TP.HCM rất mong có thể ra đường trở lại.
Tuy nhiên, về phần Thảo, cô nói sẽ chỉ ra ngoài khi cần thiết và luôn cẩn trọng, đứng xa nơi đông người. Thói quen đeo khẩu trang từ trước dịch vẫn sẽ được người mẹ trẻ áp dụng chặt chẽ.
“Hiện tại, chồng vừa trở lại công việc, mình thì lo con còn quá nhỏ nên chưa dám đi làm. Sau khi nhiễm bệnh, mình không còn tự tin để hòa vào đám đông, hay vô tư tiếp xúc với nhiều người nữa”, cô bày tỏ.
Tương tự Thanh Thảo, nhiều người trẻ ở TP.HCM cho hay khi thành phố dần trở lại cuộc sống bình thường, họ vẫn chưa đủ tự tin để ra đường và coi khẩu trang là vật dụng bất ly thân để bảo vệ bản thân cũng như người khác.
Hạn chế ra đường
Sáng 30/9, nhiều rào chắn, chốt kiểm soát xung quanh hẻm nhà Đào Phương (25 tuổi, phường 17, quận Gò Vấp) dần được gỡ bỏ.
Trước đó, dù là vùng xanh, hẻm được rào 4 phía, chỉ chừa lối đi ra đường lớn, từ đầu tháng 8 do có nhiều người cao tuổi và trẻ em sinh sống.
“Khi nghe tin, mình cũng khấp khởi trong lòng vì điều đó chứng tỏ dịch đã bớt đi nhiều rồi. Tuy nhiên, mình sẽ hạn chế vì không biết đi đâu khi hàng quán chưa mở lại. Ngoài ra, mình vẫn có cảm giác đề phòng dịch bệnh. Không thể cứ đơn giản cho rằng bỏ rào chắn là virus đã biến mất”, cô nói.
Bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, Phương cũng mong trở lại cuộc sống sau nhiều tháng u uất, bí bách trong nhà. Nhưng cô vẫn sẽ dùng khẩu trang, nước xịt khuẩn, và hạn chế nơi đông người.
"Chứng kiến nhiều sự việc đau lòng trong dịch, mình thật sự không muốn tình trạng ấy diễn ra một lần nữa. Mình sẽ quay lại cuộc sống bình thường, nhưng chậm lại một chút", Phương chia sẻ.
Sáng 30/9, hẻm trên đường Nguyễn Oanh dẫn vào chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp) được gỡ bỏ rào chắn (ảnh trái), còn hàng rào hẻm xanh vẫn còn. Ảnh: NVCC. |
Sau thời gian dài ở nhà và làm việc online, anh Nguyễn Thế Vinh (33 tuổi, phường 15, quận 8) cảm thấy vui khi thành phố điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Giống nhiều người, anh Vinh có chung tâm trạng háo hức khi có thể ra đường. Tuy nhiên, theo anh, quan trọng là mọi người vẫn phải tuân thủ các quy tắc phòng ngừa Covid-19.
“Cả gia đình mình từng không may nhiễm virus nên hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc này. Trước dịch, mình chỉ đeo khẩu trang khi chạy xe ngoài đường, còn ở nơi công cộng thì không. Tuy nhiên, hậu đại địch, mình nghĩ khẩu trang sẽ trở thành thứ thiết yếu với mọi người”, anh nói.
Dù các chốt chặn, rào chắn được gỡ bỏ, nhiều người cho biết họ vẫn chưa đủ tự tin để ra đường. Ảnh: Y Kiện. |
Nhiều người sẽ gắn bó với khẩu trang
Trao đổi với Zing, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết so với trước Covid-19 hay năm 2020, số trường hợp nhờ chị tư vấn về các chấn thương tâm lý do dịch bệnh gây ra tăng lên rất nhiều.
Theo chị, ban đầu, những chấn thương này xuất phát từ sự âu lo về dịch bệnh, căng thẳng mà mọi người phải đối mặt mỗi ngày, hạn chế di chuyển, mất việc, thu nhập không ổn định, lo lắng tương lai bất ổn.
Mức độ và vấn đề mọi người gặp phải tiếp theo liên quan đến mối quan hệ trong gia đình khi chung sống trong không gian hẹp, phải đối mặt với nhau từ sáng đến chiều, mỗi cá nhân không có không gian riêng hay được đi ra ngoài, tham gia đời sống xã hội.
Trong dịch, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận được nhiều lời nhờ tư vấn về các chấn thương tâm lý do dịch bệnh gây ra. Ảnh: NVCC. |
Đó là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cho những khó chịu, khó khăn về mặt tâm lý leo thang.
“Tôi cũng có thân chủ là các F0, F1 phải đi cách ly hoặc mất người thân do dịch mà không thể về chăm sóc hoặc tiếp cận, cũng không có sự chuẩn bị. Đợt dịch vừa rồi quá nặng nề ở TP.HCM hay Bình Dương là cú sốc lớn đối với mọi gia đình, mọi thành viên và cả xã hội”, chuyên gia tâm lý nói.
Chị Hà Thành cho biết nhiều cá nhân mất người thân vì Covid-19 vẫn đang chìm trong đau buồn mà không hiểu vì sao điều này lại xảy ra với mình.
Họ cảm thấy bị dằn vặt vì chưa cung phụng tốt, có mâu thuẫn chưa kịp hóa giải, chưa có cơ hội nói ra những điều mong muốn, không có thời gian chăm sóc nhau hay thực hiện nghĩa cử cuối cùng cho người đã khuất…
Bên cạnh đó, nhiều người mất là trụ cột gia đình nên khoảng trống mà họ để lại về mặt kinh tế, tinh thần, sức lực lao động khiến người thân bối rối, chưa biết cách vượt qua.
“Nếu là khủng hoảng cả xã hội đang đón nhận, sự lạc quan cùng với chấp nhận sự thật là cách có thể vượt qua. Thực tế, lạc quan chỉ hữu ích trong thời gian ngắn. Bởi vậy, với dịch bệnh kéo dài, cần có thêm sự chấp nhận thực tại là nó có sức ảnh hưởng, sự bào mòn đến tận cùng mỗi con người, mỗi gia đình”, chị nói.
Nhận định về việc thành phố gỡ rào chắn nhưng nhiều người không tự tin ra đường và từ chối tháo khẩu trang, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết đó là phản ứng tất yếu để phòng vệ.
Khi đứng trước điều gây hại đến sinh mệnh con người, họ tìm cách bảo vệ bản thân.
“Trong xã hội, có rất nhiều người với tính cách khác nhau. Đến một ngày đang giãn cách, thành phố mở cửa mà tất cả ào ra đường cũng rất nguy hiểm. Bởi vậy, có người sẵn sàng đi ra trước, có người chọn thận trọng hòa nhập lại theo cách họ thấy ổn nhất vì ngưỡng của mỗi cá nhân là khác nhau. Đó là điều tốt để sự trở lại cuộc sống có nhịp điệu, dần dần chứ không phải đồng loạt, đúng một thời điểm. Điều này phù hợp với tình hình hiện tại”, chị nói.
Theo chị Hà Thành, nhiều người từ giờ trở đi sẽ gắn với chiếc khẩu trang. Ảnh: H.H. |
Chị Hà Thành chia sẻ thêm: “Đến một ngày tin tức tốt hơn, mọi người có thể sẽ thoải mái ra đường trở lại. Nhưng cũng không tránh trường hợp có nhiều người từ giờ trở đi sẽ gắn với chiếc khẩu trang suốt đời, ngay cả khi dịch bệnh qua đi”.
Theo chị, thực tế đã có trường hợp như vậy.
Nhiều bạn bè của chị từng trải qua dịch SARS vào những năm 2000. Họ cảm thấy khi có dịch bệnh, đeo khẩu trang là cách tự phòng vệ hoặc có người chỉ bị cúm đã đeo khẩu trang cẩn thận.
Ngay cả ở châu Âu, nơi người dân khát khao đòi hỏi, đấu tranh mãnh liệt vì tự do cá nhân, đến một ngày, họ hiểu che mũi, miệng là cách phòng vệ tốt nhất trước dịch bệnh nên chiếc khẩu trang đã xuất hiện khắp nơi.
“Đó là thói quen tốt, cách thức mỗi cá nhân tự điều chỉnh để phù hợp, thích nghi dần trong hoàn cảnh 'bình thường mới'”, chị Hà Thành nói.