Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM hết vaccine tiêm chủng miễn phí cho trẻ em

Vaccine phối hợp 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022 và đã hết sạch.

Thông tin được Sở Y tế TP.HCM chia sẻ sáng 16/5. Cơ quan cho biết các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT và rất mong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Lần gần nhất TP.HCM nhận được lô vaccine DPT-VGB-HiB (phối hợp 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) là vào tháng 10/2022. Đến đầu tháng 3, số vaccine này đã hết.

Ngoài ra, vaccine DPT (là vaccine có tác dụng phòng 3 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván hấp phụ) được cấp lần gần nhất là tháng 2 và đã hết từ đầu tháng 5.

Các loại vaccine khác trong Chương trình TCMR chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm.

Vaccine hiện có Thời gian (dự kiến) hết
Vaccine DPT-VGB-HiB (phối hợp 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib Đã hết từ tháng 3
Vaccine DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván hấp phụ) Đã hết từ tháng 5
Vaccine viêm gan B và viêm não Nhật Bản Cuối tháng 5
Vaccine lao (BCG) Giữa tháng 6
Vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi Tháng 7
Vaccine uốn ván (VAT) Tháng 8
Vaccine sởi và rubella (MR) Hết tháng 9

Từ trước đến nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) được cung ứng vaccine từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mỗi 2 tháng. Nhưng lần gần nhất, cơ quan này nhận được vaccine là 24/4.

Tuy nhiên, ngày 3/4, Bộ Y tế có văn bản số 1810 thông báo từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho Tiêm chủng mở rộng và một số loại thuốc khác.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine... theo quy định, phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch, bệnh tại địa phương.

Trước tình hình mới này, HCDC đã khẩn trương xây dựng kế hoạch đấu thầu vaccine để tiêm chủng cho trẻ em và dự trù vaccine cho những tháng còn lại trong năm nay và đầu năm sau.

Mặc dù tình trạng tạm gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình TCMR như hiện nay tại TP.HCM là bất khả kháng, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng mở rộng trên địa bàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên theo lịch cố định để tiêm chủng các loại vaccine hiện còn và chủ động nhắc lịch đối với trẻ chậm mũi tiêm do thiếu vaccine.

"Sở Y tế TP.HCM mong Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sớm cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng", cơ quan này lặp lại mong muốn.

Vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng được tiêm miễn phí cho trẻ em, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vaccine cần phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể.

“Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất?”, “Làm thế nào để tôi ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh?”, “Làm thế nào để tôi vẫn giữ được minh mẫn khi già đi?”… Đó là mối quan tâm của nhiều người trong quá trình tìm phương thức để duy trì sức khỏe tốt nhất có thể.

Cuốn sách Ăn lành, tập đủ, nghĩ thông minh có thể giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất, giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Dấu hiệu mắc viêm gan B ở trẻ em

Hầu hết trẻ nhiễm virus mạn tính không có triệu chứng lâm sàng. Một số trẻ có thể có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau tức nhẹ vùng hạ sườn phải, gan to nhẹ.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm