Mục đích của văn bản này nhằm giúp thầy cô điều chỉnh, đổi mới phương thức, hình thức tổ chức các hoạt động ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học; kịp thời phát hiện những cố gắng để động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày và hướng dẫn, giúp đỡ học sinh cảm thấy tự tin và thích học, thích đi học.
Đồng thời, học sinh sẽ biết tự đánh giá, rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh bài làm, hoạt động của mình, bồi dưỡng hứng thú học tập và rèn luyện để ngày càng tiến bộ hơn, góp phần làm giảm áp lực cho học sinh khi đến trường.
Theo văn bản này, các thầy cô sẽ đánh giá học sinh dựa trên sự tiến bộ, coi trọng động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của các em; đảm bảo kịp thời, công bằng khách quan toàn diện.
Đặc biệt, các thầy cô không được so sánh, chê trách, tạo áp lực học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Văn bản cũng nêu rõ, ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên.
Vì vậy, giáo viên sẽ đánh giá học sinh dưới các hình thức nhận xét qua từng bài học, hoặc bài viết (dưới 20 phút); quan sát và đánh giá hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng.
Trong giai đoạn học sinh lớp 1 chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp. Khi học sinh đã biết đọc, giáo viên ghi nhận xét, lời phê trong vở. Hàng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc.
Giáo viên cần có những hình thức động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học, không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D...). Nếu bài làm hoặc hoạt động giáo dục học sinh thực hiện sai hoặc chưa hoàn chỉnh, cần hướng dẫn các làm cho đúng và đầy đủ.
Thậm chí, trong văn bản này của Sở GD - ĐT TP.HCM còn ví dụ cụ thể cách đánh giá học sinh đối với từng trường hợp.
Đối với các em hoàn thành tốt bài làm: “Bài làm tốt, đáng khen” hoặc “Thầy /cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”.
Khi hoàn thành bài làm đạt kết quả khá: “Bài làm khá tốt, nếu … em sẽ có kết quả tốt hơn" hoặc “Bài của em đã hoàn thành khá tốt. Để đạt kết quả tốt hơn, em cần…”.
Học sinh hoàn thành bài làm: “Em đã hoàn thành bài làm, nếu rèn thêm … em sẽ có kết quả tốt hơn" hoặc “Bài làm đạt yêu cầu. Nếu em chú ý những vấn đề như … thì kết quả sẽ tốt hơn".
Học sinh chưa hoàn thành bài làm: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, cần … và … thầy/ cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn” hoặc “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như … em sẽ có kết quả cao hơn”.
Nếu học có nhiều tiến bộ: “Em đã có nhiều tiến bộ trong việc... và thầy/ cô rất tự hào về em”.
Tuy nhiên, bài kiểm ta cuối năm của học sinh vẫn sẽ được đánh giá bằng điểm số (theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và thập phân); kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý, sửa lỗi cho học sinh.