Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM lập trạm đo SpO2 và thở oxy cho F0 nặng chờ nhập viện

Trạm SpO2 và thở oxy được lập ở các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho F0 thở oxy trong khi chờ tổ phản ứng nhanh tới.

Sở Y tế TP.HCM vừa cập nhật văn bản Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 1.3) đề nghị giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở cách ly tập trung F0 tại các địa phương tổ chức thực hiện.

"Trạm đo SpO2 và thở oxy” tại các khu phố và tổ dân phố để hỗ trợ cho người F0 thở oxy trong khi chờ tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ nằm trong hoạt động tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho F0 theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM.

Sở Y tế TP.HCM lưu ý khi có một trong các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở..., F0 cần liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài 1022 (phím 3 hoặc 4) để được tư vấn.

tram do SpO2 va tho oxy cho F0 nang anh 1

Nhân viên y tế đến phát thuốc tại nhà cho F0 tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giám.

Các dấu hiệu chuyển nặng của Covid-19 gồm: khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có dụng cụ do Sp02 tại nhà). Lúc này, người bệnh cần liên hệ ngay tổng đài 115 hoặc số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh phường, xã, quận, huyện để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Một điểm mới trong hướng dẫn chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà của TP.HCM là đưa vào sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng virus mới SARS-CoV-2 của Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng thuốc kháng đông heparin tiêm dưới da cho những trường hợp có độ nặng từ trung bình trở lên.

Sử dụng thuốc kháng virus (Molnupiravir) và các thuốc kháng đông dạng uống (Apixaban, Rivaroxaban, Dabigatran) đang được nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá hiệu quả điều trị Covid-19.

Trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát với nhiều trường hợp chuyển nặng tại nhà như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo có thể sử dụng các thuốc này theo hướng dẫn nhằm hạn chế tỷ lệ F0 chuyển nặng tại nhà.

Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thuốc này trong điều trị Covid-19 nhằm đóng góp vào kho dữ liệu khoa học của ngành, làm căn cứ để kiến nghị Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế bổ sung vào hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong thời gian tới.

Như vậy, toa thuốc điều trị tại nhà cho F0 của Sở Y tế TP.HCM hoàn thiện gồm: thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Để đảm bảo theo dõi sức khỏe cho người bệnh Covid-19, trạm y tế hoặc Tổ phản ứng nhanh sẽ thành lập đội y tế lưu động đến thăm khám tại nhà, ưu tiên F0 có triệu chứng qua khai báo y tế hoặc người nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần...,).


Sở Y tế TP.HCM: 4 mức độ chuyển nặng khi F0 cách ly tại nhà

Dựa trên chỉ số SpO2, người nhiễm SARS-CoV-2 đang cách ly tại nhà có thể tự nhận biết các dấu hiệu chuyển biến bất thường và liên lạc ngay cơ quan y tế.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm