Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM muốn có 9.000 nhân lực trình độ sau đại học về vi mạch, bán dẫn

Trong thời gian tới, TP.HCM đặt mục tiêu về việc đào tạo nhân lực trình độ cao, đồng thời thu hút các chuyên gia đầu ngành đến giảng dạy, nghiên cứu.

TP.HCM lên kế hoạch phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Adobestock.

Trong kế hoạch của UBND TP.HCM về triển khai chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam và chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, TP.HCM dự kiến đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Trước đó, để đạt được mục tiêu đào tạo 9.000 nhân lực trình độ đại học trở lên, TP.HCM dự kiến hoàn thiện khung chương trình đào tạo, khóa đào tạo chuyên sâu; thu hút chuyên gia, ưu đãi cho người học trong năm 2025-2026.

Đồng thời, thành phố lên kế hoạch xây dựng các khoá đào tạo chuyên sâu, đặc thù (đào tạo lại, đào tạo nâng cao) để nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các khóa học theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp để thu hút người học.

Từ năm 2026-2030, thành phố sẽ triển khai đào tạo ít nhất 9.350 nhân lực có trình độ đại học trở lên trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trong số 9.000 nhân lực này, TP yêu cầu ít nhất có 2.600 nhân lực liên quan ngành Thiết kế vi mạch và 3.600 nhân lực các ngành liên quan Công nghệ bán dẫn.

Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Sài Gòn cũng được giao chỉ tiêu đào tạo, lần lượt là 1.400, 1.400 và 350 nhân lực cho ngành từ năm 2026 đến năm 2030.

Đặc biệt, UBND TP.HCM cũng dự kiến hỗ trợ học bổng, các chính sách ưu đãi cho người học ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ số cốt lõi tại TP, cùng với đó là nghiên cứu thành lập Quỹ Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch quy mô 5 triệu USD phục vụ cho việc đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người học ngành công nghệ bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện cấp giấy phép lao động cho giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến TP.HCM giảng dạy, nghiên cứu, làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.

Đại học Quốc gia TP.HCM cũng là đơn vị mà thành phố dự kiến xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia.

Nếu kế hoạch được thực hiện, TP.HCM dự kiến đào tạo chuyên sâu và nâng cao tay nghề ít nhất 1.500 nhân lực cho các công ty ngành công nghiệp bán dẫn đang hoạt động tại Việt Nam; thu hút ít nhất 30 chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trong và ngoài nước tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường, viện trên địa bàn TP.HCM; tổ chức tối thiểu một hội nghị, hội thảo quốc tế về vi mạch, bán dẫn hàng năm.

Bán dẫn là từ khóa hot hiện nay, kéo theo đó là nhu cầu tìm hiểu về ngành học liên quan để có thể tham gia vào lĩnh vực này.

Vì thế, Tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Khi con chip lên ngôi của tác giả PGS.TS Nguyễn Trung Dân và TS Nguyễn Xuân Xanh.

Với các số liệu và nghiên cứu mới nhất, tác giả sẽ dẫn chúng ta bước vào hành trình tìm hiểu nguồn gốc và quá trình ra đời của transistor, chip bản dẫn cũng như vai trò của chúng, khám phá những điều đang xảy ra với nền công nghiệp bán dẫn.

Loạt đại học mở ngành mới, gia nhập 'đường đua' bán dẫn

Năm 2024, nhiều trường đại học thông báo mở thêm ngành đào tạo mới liên quan đến lĩnh vực bán dẫn.

Thái An

Bạn có thể quan tâm