Trao đổi với Zing chiều 25/6, Trung tá Phan Bá Hiếu, Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết đơn vị này đang tiếp nhận điều trị cho một nam bệnh nhân 20 tuổi ở TP.HCM mắc bệnh bạch hầu.
Trước đó, nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau họng, vùng hàm sưng to. Nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, các bác sĩ nhanh chóng khởi động quy trình cách ly, khử khuẩn toàn bộ các khu vực bệnh nhân đã đi qua và lấy mẫu xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM khẳng định bệnh nhân mắc bạch hầu.
Bác sĩ Hiếu cho biết nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và các bệnh nhân, bệnh viện đã nhanh chóng cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc trên trong phòng bệnh.
Hàng chục nhân viên y tế và các bệnh nhân cùng phòng đã được uống thuốc điều trị dự phòng.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng báo cáo với cơ quan chức năng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo quy định. Trong đó, 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân đang sinh hoạt, học tập đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và uống thuốc điều trị dự phòng. Kết quả xét nghiệm cho thấy 16 người đều âm tính.
Ca mắc bệnh bạch hầu tại TP.HCM đang được điều trị trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Ảnh minh hoạ: Phạm Thắng. |
Nam bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại khoa Truyền nhiễm. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi.
Như vậy, TP.HCM là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch hầu. Tại Đắk Nông, trao đổi với Zing, bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết đến chiều nay, 3 ổ dịch tại địa phương này đã được kiểm soát tốt.
Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong, một bệnh nhân 13 tuổi diễn tiến nặng, đang được hồi sức tích cực.
"Chúng tôi đang triển khai khám sàng lọc đối với tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh chứ không chờ ca bệnh xuất hiện mới xử lý. Hiện nay, cán bộ y tế đã đến tận nhà của đồng bào Mông tại các thôn, bản để lấy mẫu xét nghiệm và điều trị dự phòng", bác sĩ Hùng nói.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vaccine SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
- Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
- Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.