Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM thi tốt nghiệp riêng: Nhiều băn khoăn, lo lắng

Nhiều giáo viên tại TP.HCM băn khoăn việc Sở GD&ĐT thành phố ra đề thi và tổ chức xét tốt nghiệp riêng tạo thêm áp lực cho học sinh.

Mới đây, thông tin UBND TP.HCM gửi văn bản xin thẩm định của Bộ GD&ĐT về đề án "Thi và xét tốt nghiệp THPT năm 2017" nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, đề án có lộ trình thực hiện ở hai giai đoạn: Giai đoạn một vào năm 2017 được tổ chức thi trong hai ngày 2/6 và 3/6 với ba môn Toán (120 phút), Ngữ văn (120 phút) theo hình thức tự luận và Ngoại ngữ (90 phút) theo hình thức trắc nghiệm, riêng hệ Giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế Ngoại ngữ.

Giai đoạn hai từ năm 2018 về sau được tổ chức thi trong hai ngày 2/6 và 3/6 với 4 môn Toán (120 phút), Ngữ Văn (120 phút), Tích hợp (120 phút), Ngoại ngữ (90 phút), riêng hệ Giáo dục thường xuyên sẽ thi môn thay thế Ngoại ngữ. 

Tp.hcm thi tot nghiep rieng anh 1
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. 

Nhiều giáo viên tại TP.HCM băn khoăn ở giai đoạn một, đề án của TP.HCM “vênh” với dự thảo mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra về kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT, thí sinh thi trắc nghiệm môn Toán, đề thi phải bảo đảm 2 yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Trong khi đó, TP.HCM chỉ có 3 bài thi, môn Toán vẫn thi tự luận.

Không ít phụ huynh, giáo viên lo rằng việc học theo chương trình của Bộ GD&ĐT và thi theo Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ gây khó cho thí sinh và phụ huynh.

Lo thêm áp lực

Bàn luận về phương án thi tốt nghiệp của thành phố, cô Lê Tuyết Hoa, giáo viên tại một trường THPT thuộc quận Tân Bình cho rằng: Chương trình và cách thi luôn phải song hành. Nếu TP.HCM muốn thi môn tích hợp vào năm 2018, thầy cô cần thời gian soạn lại giáo án và nên có sách giáo khoa mới. Trong khi đó, dự kiến thay đổi của năm 2017 của Bộ GD&ĐT vẫn khiến giáo viên và học sinh hoang mang.

Cô Tuyết Hoa chia sẻ thời điểm hiện tại, học sinh mong muốn có đề thi minh họa và quyết định chính thức của Bộ GD&ĐT để có phương án dạy và học phù hợp.

Cũng theo giáo viên này, kỳ thi tốt nghiệp THPT do TP.HCM ra đề và tổ chức sẽ tạo tâm lý nặng nề cho thí sinh, nhất là khi các em còn nhiều kỳ sát hạch khác như thi hết học kỳ 1, học kỳ 2. 

“Đề thi do Bộ GD&ĐT ra thường sẽ khái quát và đại trà hơn, còn đề thi của TP.HCM có thể khó hơn. Chưa kể, học sinh vừa ôn tập kỳ thi này vừa ngóng kỳ thi khác", nữ giáo viên nói. 

Cô Hoa dẫn ví dụ với môn Ngữ văn, nếu Bộ GD&ĐT ra đề thi tốt nghiệp, giáo viên sẽ loại trừ một số phần đã thi năm trước để ôn tập, giúp giảm tải kiến thức. Còn kỳ thi được tổ chức lần đầu tiên, thí sinh sẽ không bỏ qua được phần nào.

Theo cô Nguyễn Tuyết Nhung, giáo viên trường chuyên tại quận 5, với phương án thi riêng, TP.HCM có thể sẽ nâng cao được chất lượng dạy và học nhưng khó tạo tính công bằng cho kỳ thi và học sinh sẽ vất vả hơn.

“TP.HCM cũng là nơi cấm dạy và học thêm nên đòi hỏi giáo viên phải có giáo án, chương trình dạy sao cho hợp lý”, giáo viên này bày tỏ.

Nguyễn Thùy Anh - học sinh lớp 12 tại TP HCM - chia sẻ trong khi học sinh còn đang bối rối với dự thảo thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT, kế hoạch của TP.HCM sẽ chỉ làm cho học sinh thêm lo lắng.

"Em không biết học sinh tại TP.HCM sẽ tham gia xét tuyển đại học như thế nào, có phải thi lần thứ hai theo đề của Bộ GD&ĐT?", Thùy Anh bày tỏ.

TP.HCM không nên 'chạy trước' Bộ GD&ĐT

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, việc có kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá 12 năm học là cần thiết. Các quy định về tổ chức môn thi, mức độ và chất lượng đề thi… đều phải nằm trong khuôn khổ của quốc gia do Bộ GD&ĐT quản lý.

TP.HCM là nơi đầu tiên đề xuất ra đề thi và xét tốt nghiệp THPT. Hiểu cách khác, đây chỉ là một bộ phận tổ chức thí điểm phân cấp, phải quy định theo sự chỉ đạo của quốc gia.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng việc đề thi của TP.HCM có thể khó hơn đề thi của THPT quốc gia là điều không đáng lo ngại. Quan trọng là TP.HCM phải đáp ứng được mức tối thiểu của mặt bằng chung. Nếu Sở GD&ĐT TP.HCM nhận định học sinh tại đây tốt hơn thì có thể ra đề thi ở mức cao hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Nhĩ bày tỏ theo dự thảo thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT sẽ thi theo các môn tổ hợp, bao gồm Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) và Khoa học xã hội (Địa lý, Lịch sử, Giáo dục Công dân).

Tổ hợp là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thi thành chung một bài thi, nhằm giảm lượng thời gian và ngày thi, tránh gây áp lực lên thí sinh và phụ huynh. Còn TP.HCM lại đề xuất môn thi tích hợp cho năm 2018, khác hoàn toàn với tổ hợp. Tích hợp là bước phát triển cao hơn trong cách dạy học và ra đề thi.

“Nếu Bộ GD&ĐT chưa ra đề thi tích hợp thì TP.HCM không nên đi trước", ông Nhĩ nêu quan điểm.

Trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau kỳ thi THPT quốc gia 2016-2017, Bộ GD&ĐT đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, trường đại học, cao đẳng đề xuất phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cho năm 2017, cũng như những năm tiếp theo. Theo thống kê sơ bộ, nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

TP.HCM trình đề án thi và xét tốt nghiệp THPT riêng năm 2017

UBND TP.HCM vừa gửi văn bản xin thẩm định của Bộ GD&ĐT về đề án "Thi và xét tốt nghiệp THPT năm 2017". Đây là địa phương đầu tiên đề xuất tự công nhận tốt nghiệp THPT.

Quyên Quyên - Bùi Thư

Bạn có thể quan tâm