Thông tin trên được ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 10/2.
Trẻ mầm non 3-6 tuổi, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở TP.HCM sẽ trở lại trường từ ngày 14/2. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Thiếu giáo viên mầm non cục bộ
Cụ thể, ông cho biết hiện tại, giáo dục mầm non của thành phố có hiện tượng thiếu giáo viên, bảo mẫu. Tuy nhiên, tất cả cơ sở giáo dục mầm non công lập có thể đáp ứng 100% trẻ đến trường hôm 14/2 đều được chăm lo.
Riêng một số đơn vị ngoài công lập có hiện tượng thiếu giáo viên, bảo mẫu do người lao động, thầy cô đã nghỉ việc hoặc về quê trong giai đoạn dịch dẫn đến hiện tượng thiếu cục bộ.
Song ông Trọng cho hay với số lượng phụ huynh đăng ký gửi trẻ đến lớp hôm 14/2, các trường vẫn đảm báo việc đón trẻ. Thời gian tới, cơ sở giáo dục có kế hoạch mời lại giáo viên cũ, tuyển người mới.
"Việc thiếu giáo viên xảy ra cục bộ, một số nơi, không ảnh hưởng đến việc đón trẻ và tổ chức hoạt động giáo dục", ông Trọng khẳng định.
Ngoài ra, ông cho hay sở GD&ĐT cũng đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có kế hoạch hỗ trợ, điều phối giữa các cơ sở để thực hiện việc chăm sóc trẻ tốt nhất.
Tại cuộc họp, đại diện sở GD&ĐT cũng thông tin số liệu phụ huynh đồng thuận, đăng ký cho con trở lại trường từ ngày 14/2. Trong đó, tỷ lệ đối với cấp tiểu học dao động giữa các địa phương từ 80% đến 85%. Con số ở bậc mầm non thấp hơn, 60-80%.
Sau Tết Nguyên đán, việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 7-12 ở TP.HCM diễn ra bình thường. Ảnh: Chí Hùng. |
Hoàn tất các bước cuối cùng để đón trẻ
Ông Trịnh Duy Trọng cho biết thêm để đón học sinh tiểu học, lớp 6, trẻ mầm non 3-6 tuổi đến trường trong ngày 14/2, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các cơ sở giáo dục rốt ráo chuẩn bị công đoạn cuối cùng.
Địa phương cũng đã trao trả, sửa chữa tất cả cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non từng được trưng dụng để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Về công tác chuyên môn và phòng chống dịch, sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn từng cấp học với lớp 6, tiểu học, mầm non, chi tiết từ việc các hoạt động, số tiết, dạy học trực tiếp kết hợp với phòng, chống dịch như thế nào, tổ chức dạy trực tuyến ra sao, thậm chí hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn.
Ví dụ, từ 14/2, các trường có thể tổ chức bán trú, tùy điều kiện của trường. Với bậc mầm non, trong tuần đầu tiên, các trường chưa tổ chức ăn sáng cho trẻ 3-6 tuổi để thầy cô tập trung đón trẻ, tầm soát dịch, chăm sóc trẻ.
Từ tuần thứ 2, các hoạt động trở lại bình thường. Từ ngày 1/3, tùy điều kiện từng trường và tình hình tại địa phương, việc tổ chức dạy học trực tiếp có thể mở rộng sang đối tượng trẻ em khác.
Hiện tại, TP.HCM đang tổ chức cho học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, sở GD&ĐT, cho hay sau Tết Nguyên đán, việc dạy học tập trung vẫn diễn ra bình thường, không phát sinh vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, một số học sinh về quê chưa trở lại thành phố nên nghỉ một vài ngày đầu. Trong các ngày 9, 8, 7, ngành giáo dục phát hiện tương ứng có 4, 3 và 2 F0 tại trường. Các trường hợp này đều được xử lý kịp thời, việc tổ chức dạy học vẫn diễn ra bình thường, không gián đoạn.
Ông Trọng nêu 2 kinh nghiệm chính của ngành giáo dục trong việc tổ chức dạy học trực tiếp là phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương và cơ sở giáo dục có phương án phòng, chống dịch, chủ động trong các biện pháp.
Ông hy vọng thời gian tới, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học tiếp tục phát huy kinh nghiệm này, xây dựng phương án, diễn tập, phân công nhiệm vụ, nuôi dạy trẻ, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không bị động khi có tình huống phát sinh.
Với học sinh từ lớp 6 trở xuống, ông đề nghị nhà trường và cha mẹ học sinh phối hợp chặt chẽ, tổ chức hướng dẫn học sinh thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, tầm soát trước khi trẻ đến trường. Tất cả học sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở hay có yếu tố dịch tễ tạm thời chưa tới lớp.