Biểu hiện đặc trưng của trẻ mắc bệnh sởi và các nốt phát ban đỏ trên da. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Chiều 28/8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch sởi, sau khi UBND TP.HCM công bố dịch sởi trên toàn thành phố.
Tại cuộc họp, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ngày 29 đến ngày 30/8, dự kiến có khoảng 300.000 liều vaccine sởi - rubella (MR) sẽ về đến thành phố. Khi nhận được vaccine, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ em toàn thành phố.
Cụ thể, chiến dịch tiêm chủng sẽ bắt đầu ngày 31/8, kéo dài khoảng một tháng cho đợi tiêm đầu tiên, xuyên lễ 2/9. Đợt tiêm này triển khai cho tất cả trẻ 1-5 tuổi, trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao 6-16 tuổi, không kể tiền sử tiêm chủng. Số vaccine dùng trong đợt tiêm chủng này được mua từ nguồn ngân sách của UBND TP.HCM.
Đợt tiêm thứ 2 sẽ tiêm bù cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi, người chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, cũng được tiêm bổ sung nếu chưa đủ mũi.
Ngoài các điểm tiêm tại trạm y tế và bệnh viện, thành phố sẽ tổ chức hàng loạt điểm tiêm lưu động tại các trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ.
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay bệnh sởi có thể lây nhiễm rất dữ dội, các bệnh viện cần thực hiện phân luồng tốt, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Bệnh viện cần lưu ý bảo vệ nhóm nguy cơ, tránh để ca sởi lọt vào khu điều trị bệnh mạn tính như khoa tim mạch, thận, huyết học.
"Nếu trong phòng điều trị có một trẻ mắc sởi, những trẻ còn lại phải được bảo vệ, tiêm dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc Immune Globulin", TS Châu dặn dò.
Đồng thời, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng đa số cộng đồng đã có miễn dịch nhờ vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng 20 năm nay. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan trong giai đoạn thành phố chống dịch.
Để phòng chống dịch sởi hiệu quả, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân thực hiện những điều sau:
- Người mắc bệnh cần tự cách ly tại nhà
- Tùy mức độ có thể đến cơ sở y tế điều trị
- Trẻ mắc bệnh nền cần nhập viện điều trị khi mắc sởi.
- Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Tính từ ngày 19 đến 25/8, TP.HCM đã ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó 20 ca dương tính, 44 ca không lấy mẫu, 17 ca chưa có kết quả và 4 ca âm tính với sởi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca.
Bệnh sởi có tốc độ lây lan rất nhanh, một ca bệnh có thể lây 12-18 người. Đây là bệnh có tỷ lệ lây cao nhất trong tất cả bệnh lý truyền nhiễm. Do đó, người dân cần tiêm vaccine đầy đủ để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước sự tấn công của bệnh sởi.
Được sống thật với chính mình luôn là một hạnh phúc. Trong cuốn sách "Sống thật để thật sự sống", người đọc được khuyến khích mở rộng tâm trí đón chào tiềm năng hiểu biết và yêu thương, đồng thời đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và thực tế để sống dựa trên sự tử tế đó.