Theo quy định, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi trên cả nước, thí sinh truy cập trang tra cứu, nhập số báo danh để biết kết quả của mình.
Sau khi biết điểm thi, thí sinh được quyền làm đơn phúc khảo. Các em nộp đơn yêu cầu phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi từ ngày 14 đến hết ngày 23/7. Kết quả sẽ được trả về trong vòng 15 ngày kể từ thời điểm hết hạn nhận đơn.
Sau khi biết điểm thi, thí sinh được quyền làm đơn phúc khảo và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh: Việt Hùng. |
Với thí sinh có bài/môn thi được điều chỉnh điểm sau phúc khảo, hội đồng thi in giấy chứng nhận kết quả thi sau phúc khảo trả cho sĩ tử, đồng thời thu hồi và hủy giấy chứng nhận kết quả trước phúc khảo.
Thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia 2019 để xét tuyển đại học có thể điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 22 đến 29/7 bằng hình thức trực tuyến và từ 22 đến 31/7 bằng phiếu đăng ký.
Đến nay, ghi nhận tình hình chấm thi tại các hội đồng cho thấy chưa có thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn.
Nam Định có 8 bài thi đạt 9,25 điểm môn này trong số 22 bài đạt điểm trên 9. Hơn 550 bài thi đạt điểm từ 8 đến dưới 9. Tỷ lệ bài thi môn Ngữ văn của thí sinh Nam Định có điểm từ trung bình trở lên chiếm 89,6%. 18 bài thi bị điểm liệt (1 điểm trở xuống).
Ở Đồng Nai, 3 bài thi môn Ngữ văn đạt điểm 9. Tại Cao Bằng, điểm cao nhất là 9, thấp nhất 1,25.
Bình Thuận có một thí sinh đạt điểm 9 môn Ngữ văn. Ngoài ra, 60 bài đạt từ điểm 8 trở lên, tỷ lệ 0,56%. Hơn 80% các bài thi có điểm trên 5, phổ biến ở mức 5-6. Có 8 thí sinh bị điểm liệt.
Đắk Lắk có 10.122 bài thi môn Ngữ văn dưới 5 điểm (chiếm 50,42%), 9.954 bài từ 5 điểm trở lên (chiếm 49,58%).
Trong đó, 83 bài thi bị điểm liệt, từ 0-1; 9.843 bài đạt từ 5-8 điểm; số bài đạt điểm 8 trở lên là 111. Điểm thi cao nhất môn Ngữ văn là 8,75 (5 bài).
Tại Sơn La, điểm nóng thi THPT quốc gia năm ngoái, ghi nhận ban đầu cho thấy điểm Ngữ văn cao nhất là 8 và có điểm liệt.