Không cần đợi đến cột mốc như lập gia đình, tuổi 30 hay có con, nhiều người trẻ vẫn đặt kế hoạch mua xe hơi khi độc thân, phục vụ việc di chuyển hàng ngày cũng như công việc cá nhân.
Nhiều người mua xe hơi từ khá trẻ theo hình thức trả góp hoặc mua xe sang tay, chuyển nhượng. Một số khác được gia đình, người yêu mua tặng hoặc hỗ trợ.
Zing trò chuyện cùng 4 bạn trẻ ở những độ tuổi và công việc khác nhau để lắng nghe câu chuyện về chiếc ôtô đầu tiên của họ.
Tiến Đạt (32 tuổi, TP.HCM) - Trả góp ngân hàng
Tôi hiện là Giám đốc truyền thông, quản lý của một số nghệ sĩ. Năm 2020, khi 30 tuổi, tôi quyết định mua chiếc ôtô đầu tiên để thuận tiện đi lại và nâng cấp cuộc sống.
Tôi chọn mua Toyota Vios phiên bản 2020. Thời điểm đó, chi phí xe lăn bánh là 625 triệu đồng. Nhân viên tư vấn tôi có thể chọn Toyota Camry. Tuy nhiên, tôi xác định rõ mục đích sử dụng nên cho rằng chiếc xe vừa tầm giá này là lựa chọn thích hợp.
Tiến Đạt chọn mua Toyota Vios, chi phí lăn bánh 625 triệu đồng. |
Trước khi mua xe, tôi tốn trung bình 3 triệu đồng mỗi tháng cho việc di chuyển bằng taxi, xe công nghệ.
Một thời gian sau, tôi nhận thấy xe công nghệ có nhiều bất cập. Các ứng dụng liên tục tăng giá, tôi cũng rất khó tìm tài xế vào giờ cao điểm hoặc thời tiết xấu.
Đó càng là động lực khiến tôi quyết định mua xe nhằm chủ động hơn trong công việc và đỡ mất thời gian chờ đợi mỗi ngày.
Tôi mua xe theo hình thức trả góp, thanh toán trước 40% và được ngân hàng giải ngân 60% còn lại. Tôi trả nợ trong vòng 36 tháng, đến nay đã được 29 tháng.
Tôi mua xe giá bình dân, nhưng lại thích đầu tư vào vật dụng tiện ích trên xe như gương chiếu hậu điện tử kết hợp với camera hành trình trước - sau, hệ thống đệm massage lưng cổ vai gáy, máy phun tinh dầu trực tiếp, máy lọc không khí, máy phun sương tạo độ ẩm, cảm biến áp suất ốp, đèn led viền nội thất, màn hình Android đa nhiệm… Tổng chi phí cho các món đồ trên rơi vào khoảng 150 triệu đồng.
Tâm lý "mắc nợ" ngân hàng khiến tôi biết cách phân chia dòng tiền của mình hợp lý hơn. Tôi cắt giảm các khoản ăn chơi, mua sắm không cần thiết để tập trung trả tiền xe.
Xăng xe và chi phí bảo dưỡng không quá tốn kém, tuy nhiên, tôi lại chi trả nhiều cho chi phí đỗ xe. Tôi gửi xe tại hầm chung cư với giá 1,9 triệu đồng/tháng. Những lần đỗ xe bên ngoài khi đi chơi, tôi tiêu tốn từ 50.000-100.000 đồng/lượt gửi, dao động đến 2 triệu đồng/tháng cho khoản này.
Phạm Bình (25 tuổi, TP.HCM) - Mua chung cùng gia đình
Tháng 6 vừa qua, tôi mua chiếc Mitsubishi Xpander có giá 700 triệu đồng. Đây là chiếc ôtô đầu tiên của tôi mua chung cùng cha mẹ.
Tôi quyết định mua xe khá nhanh. Khi đó, tôi là chuyên viên marketing cho hãng xe Mitsubishi chi nhánh Bình Dương. Công ty có chính sách hỗ trợ khá tốt cho nhân viên được sở hữu ôtô của hãng.
Từ khi có ôtô, công việc của Bình thuận tiện hơn, cha mẹ anh cũng có xe riêng để đi du lịch. |
Do kế hoạch khá gấp gáp, tôi chưa đủ điều kiện kinh tế để mua xe nên đề nghị cha mẹ hỗ trợ mua chung bằng cách góp vào 50%. Khi đó, tài khoản tiết kiệm của tôi cũng vừa đủ 350 triệu đồng. Đây là số tiền tôi tích cóp được từ khi bắt đầu đi làm.
Gia đình ở thành phố, tôi không có gánh nặng về việc phải mua nhà sớm. Thời điểm đó, tôi đánh giá việc mua xe là một quyết định hợp lý do công việc tôi cần phải đi xa nhiều.
Tôi thường xuyên phải đi các tỉnh miền Nam, đặc biệt 5 ngày/tuần đều phải di chuyển từ TP.HCM về Bình Dương. Ôtô giúp tôi thuận tiện, chủ động hơn trong công việc. Bên cạnh đó, bố mẹ tôi cũng có thể sử dụng xe để đi du lịch, đi chơi nếu cần thiết.
Trung bình mỗi tháng, tôi chi trả 2,5 triệu đồng cho tiền xăng xe và bảo trì xe sau mỗi 5.000 km. Đây là số tiền cao gấp 5 lần so với việc tôi di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên, đây vẫn là khoản chi phí tôi có thể cân đối được.
Phương Ngân (24 tuổi, Đà Lạt) - Trả góp ngân hàng
Tôi mua ôtô vào năm ngoái, khi 23 tuổi. Đó là một chiếc Mazda CX-5 mới cóng được mua trực tiếp từ hãng. Thời điểm tôi mua, chiếc xe có giá 920 triệu đồng. Tôi độ xe, phủ ceramic, gắn camera cho xe nên tổng chi phí nhận xe là 1,25 tỷ đồng.
Phương Ngân có kế hoạch tài chính rõ ràng khi quyết định mua xe ở tuổi 23. |
Tôi mua xe theo hình thức trả góp, thanh toán lần đầu 500 triệu đồng, 750 triệu đồng còn lại trả ngân hàng trong 5 năm, mỗi tháng 10 triệu tính cả gốc và lãi.
Trên thực tế, tôi hoàn toàn có thể trả thẳng toàn bộ tiền xe. Nhưng tôi mong muốn dành tiền lại để đầu tư, kiếm lời.
Tôi làm việc cho công ty bất động sản của gia đình, thường xuyên phải đi gặp khách hàng và đến công trình. Có xe riêng, tôi đi lại thuận tiện, thoải mái hơn.
Mỗi tháng, tôi chi trả khoảng 1,5 triệu đồng cho tiền xăng, thêm 3 triệu đồng chi phí bảo dưỡng. Phí đăng kiểm, đường bộ, tôi thanh toán một lần mỗi năm.
Theo tôi, người trẻ ngày nay không còn khó mua xe như thế hệ trước đây. Nếu phân bổ được dòng tiền, việc sở hữu xe sẽ đem đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu thu nhập không ổn định, bạn cũng không nên quá vội vã.
Sỹ Hiển (26 tuổi, TP.HCM) - Gia đình hỗ trợ
Tôi yêu thích dòng xe Mercedes-Benz C 300 AMG từ lâu. Tuy nhiên, chiếc ôtô này tại hãng có giá hơn 2 tỷ đồng. Đây thật sự là con số vượt khỏi tầm tay của tôi.
Năm 2021, tôi tìm được chiếc xe yêu thích phiên bản đã qua sử dụng. Xe sản xuất năm 2019, lăn bánh lần đầu 2020. Khi đó, xe chỉ mới chạy được 2.000 km và còn rất mới. Giá chủ cũ đưa ra là 1,7 tỷ đồng. Nếu mua lúc đó, tôi nhẩm tính có thể tiết kiệm hơn 400 triệu đồng.
Sỹ Hiển mua Mercedes-Benz C 300 AMG nhờ sự hỗ trợ 80% từ gia đình. |
Nhận thấy đây là cơ hội thích hợp để mua ôtô, tôi mạnh dạn ngỏ lời mượn tiền gia đình. Nhưng bất ngờ, bố lại quyết định tặng tôi 80% giá trị chiếc xe. Số tiền còn lại, tương đương khoảng 300 triệu đồng, tôi sử dụng khoản tiết kiệm cá nhân.
Sau khi đã có xe, tôi tự chi trả các chi phí như xăng xe, bảo dưỡng, phí cầu đường..., không cần nhờ sự giúp đỡ từ gia đình nữa.
Trung bình mỗi tháng, tôi trả thêm 1,5 triệu đồng tiền gửi xe, 2 triệu đồng tiền xăng đi lại. Bảo dưỡng xe tốn khoảng 5 triệu đồng sau 8.000 km lăn bánh.
Tôi đánh giá ôtô rất tiện lợi để đi công tác xa, giúp chúng ta chủ động thời gian… Tuy nhiên, nếu chỉ dùng xe trong thành phố, tôi thấy khá bất tiện vì có nhiều đường cấm dừng, tìm chỗ đỗ xe khó và đắt đỏ.
Nếu không phải gia đình có điều kiện tài chính vững vàng, tôi cũng không có ý định mua xe đắt đỏ như thế.
Mạnh Cường (24 tuổi, TP.HCM) - Gia đình mua tặng
Tôi sở hữu chiếc ôtô đầu tiên của mình vào năm 22 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học. Thời điểm đó, cha mẹ muốn tặng tôi một chiếc xe như món quà động viên và khích lệ tinh thần sau khi rời khỏi giảng đường.
Mạnh Cường được cha mẹ tặng Subaru Forester vào năm 22 tuổi. Chiếc xe này có giá 1,3 tỷ đồng. |
Chiếc xe mà cha mẹ tặng tôi là Subaru Forester có giá 1,3 tỷ đồng.
Có xe hơi riêng vào năm 22 tuổi, thành thật là điều chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến. Nếu chỉ dựa vào bản thân, tôi sẽ rất khó mua một tài sản giá trị lớn như vậy. Nếu tự mua xe, tôi sẽ mua xe cũ bằng hình thức trả góp mà thôi.
Cha mẹ tôi muốn chiếc xe này có thể hỗ trợ ít nhiều cho công việc của tôi, giúp tôi thuận tiện đi lại, đảm bảo sức khỏe, tránh bụi bẩn, nắng mưa… Sau đó, tôi cũng thường xuyên sử dụng xe để đưa cả nhà đi du lịch hoặc đi chơi vào cuối tuần.
Mỗi tháng, tôi tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng cho chiếc xe bao gồm chi phí xăng xe, bảo trì, chi phí cầu đường… Những khoảng này đều nằm trong khả năng chi trả của tôi. Tuy nhiên, tôi đánh giá nó vẫn khá tốn kém.
Từ khi sở hữu ôtô, tôi không còn ngại nắng, mưa mỗi khi ra đường. Nhưng tôi khá chật vật trước tình trạng kẹt xe, bị xe máy va quệt nhiều lần do chen nhau trên đường hoặc vị trí đỗ xe chật chội.
Vì vậy, song song với việc dùng ôtô, tôi vẫn đi xe máy tùy từng thời điểm để tiện lợi hơn.