Chiều 20/3, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tuyên trả hồ sơ vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cho Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế để điều tra bổ sung.
Theo đó, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu giám định lại thiệt hại do chênh lệch sản lượng gỗ giữa phương án khai thác tận thu rừng trồng bị thiệt hại do cháy năm 2021 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy đã được phê duyệt đối với sản lượng khai thác thực tế.
Trường hợp giám định lại có sự chênh lệch về sản lượng gỗ so với kết luận giám định số 141/KLGĐ-PVTTB ngày 26/10/2022 của Phân Viện điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ, thì yêu cầu định giá lại tài sản để xác định giá trị thiệt hại.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm. |
Trước đó, VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế truy tố các bị cáo Hoàng Phước Toàn (SN 1975, trú TP Huế là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy); Lê Hồng Khanh (SN 1992, trú phường Thuỷ Dương, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế là Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn và dịch vụ Nông lâm nghiệp Lâm Phát); Lê Hạ (SN 1964, trú TP Huế là giám đốc Trung tâm quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp); Trương Ngọc Đức (SN 1986, trú TP Huế là nhân viên hợp đồng Trung tâm quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp) và Nguyễn Đăng Phong (SN 1965, trú TP Huế là Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thuỷ).
Theo cáo trạng, các bị cáo để xảy ra nhiều sai phạm trong việc thiết kế phương án và dự toán khai thác tận thu 157,87 hecta gỗ rừng trồng sản xuất bị thiệt hại do cháy tại các tiểu khu 151, 152, 159 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy. Những sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước 11.454,0 m2 gỗ thông (với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng).
Tại phiên xét xử sơ thẩm, đại diện VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Hồng Khanh 3 năm 9 tháng đến 4 năm tù; Lê Hạ từ 3 năm 6 tháng đến 3 năm 9 tháng tù; Trương Ngọc Đức từ 3 năm 3 tháng đến 3 năm 6 tháng tù; Hoàng Phước Toàn từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Nguyễn Đăng Phong 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm. Ngoài ra, các bị cáo còn bị đề nghị cấm hành nghề, đảm nhiệm chức vụ từ 1 - 2 năm.
Tuy nhiên, cả 3 luật sư bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng kết luận giám định số 141/KLGĐ-PVTTB ngày 26/10/2022 của Phân Viện điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ còn nhiều sai sót dẫn đến tính toán sai, xác định không đúng tang số ảnh hưởng đến việc định tội, định khung hình phạt và trách nhiệm dân sự của các bị cáo. Do đó, đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ để thực hiện giám định lại và điều tra bổ sung.
Cụ thể, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Khanh chỉ ra 12 điểm sai sót trong kết luận giám định kể trên. Trong đó, sử dụng phương pháp không đúng, không thu thập số liệu hoặc có nhưng không sử dụng dữ liệu tại khu vực giám định để tính chỉ tiêu mật độ, diện tích cây gỗ... một số phương pháp, tính toán không khách quan, thiếu cơ sở pháp lý. Dẫn đến, xác định không đúng mật độ tại khu vực mà đơn vị thiết kế đã lập phương án khai thác.
Áp dụng sai thông tư, văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, không đúng đối tượng áp dụng để làm căn cứ xác định phẩm chất cây đã bị cháy. Để rồi, từ đó dùng kết quả điều tra phẩm chất cây đang sinh trưởng, phát triển bình thường tại lô kiểm chứng để xác định phẩm chất cây cháy tại nơi đơn vị thiết kế lập phương án khai thác là không có sơ sở pháp lý. Những sai sót này dẫn đến kết luận sai gây bất lợi cho bị can.
"Để tiến hành đưa ra kết luận giám định trong vụ án này, thì đơn vị giám định phải lập các ô tiêu chuẩn tại khu vực giám định. Từ đó, xác định các chỉ tiêu tại các ô tiêu chuẩn sau đó tính toán sản lượng tại khu vực thiết kế để đảm bảo tính chính xác và khách quan... Có căn cứ để nghi ngờ kết quả giám định lần đầu là không chính xác cần phải giám định lại", luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Khanh nêu quan điểm.
Tại tòa, đại diện đơn vị giám định cũng thừa nhận không tránh khỏi sai số trong kết luận giám định số 141/KLGĐ-PVTTB ngày 26/10/2022 của Phân Viện điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ. Do đó, trong bản báo cáo đề xuất giảm mức thiệt hại xuống 15%. Ngoài ra, đại diện đơn vị giám định cũng thừa nhận việc nhập sai số cây giữa các ô, điều này ảnh hưởng đến kết quả giám định.
Trong khi đó, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm đã nêu trong cáo trạng và mức án đề nghị đối với các bị cáo trong bản luận tội.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.