Ngày 27/12, TAND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) mở phiên sơ thẩm, xét xử 5 nhân viên bảo vệ Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) về tội Hủy hoại tài sản.
Nhóm bị cáo gồm ông Phạm Văn Ẩn (54 tuổi), Trương Văn Lớn (47 tuổi), Lê Văn Lang (52 tuổi), Lê Ngọc Tuân (30 tuổi), Phạm Đức Tú (28 tuổi).
Tại phiên tòa, chủ đầm tôm Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ngụ ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) có mặt với tư cách người bị hại.
Nhóm bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Ngọc An. |
Bà Ngọc là người đã làm đơn tố cáo nhóm bảo vệ phá tài sản vào hồi tháng 4. Lực lượng Công an huyện Nhơn Trạch mời bà lên làm rõ vụ việc nhưng sau đó bắt giam vì cho rằng bà liên quan vụ án khác. Sau quá trình khởi tố, bắt giam, lực lượng chức năng xác định chủ đầm bị oan.
Theo cáo trạng, năm 2002, BQL rừng Long Thành giao khoán 18 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại khu vực Tắc Hông, sông Thị Vải (thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An) cho ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ huyện Nhơn Trạch) quản lý, nuôi trồng thủy sản.
Đến tháng 7/2014, ông Lộc ủy quyền cho bà Ngọc tiếp tục thực hiện hợp đồng với BQL rừng Long Thành.
Đến ngày 20/2/2016, bảo vệ ban quản lý rừng phát hiện bà Ngọc xây dựng chòi canh tôm trái phép với diện tích 20 m2 bằng bê tông cốt thép nên đến can thiệp, xử lý. Chiều 26/2, nhóm bảo vệ rừng tiếp tục đến đầm tôm thì thấy bà vẫn cho người xây dựng.
Thấy vậy, nhóm bảo vệ trên cùng các đồng nghiệp là ông Trần Văn Tròn, Nguyễn Minh Tuấn, Hà Duy Cường, Đàm Văn Đắc, Phan Phi Phụng, Trần Văn Lũy đã đến yêu cầu bà Ngọc dừng ngay việc thi công và mời chủ đầm về trụ sở UBND xã Phước An làm việc.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, bị hại trong vụ án. Ảnh: Ngọc An. |
Khi ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc) ngăn cản thì 3 bảo vệ Lang, Tú, Đắc lao vào khống chế, trói người này. Khi ông Tròn đưa 3 thợ xây xuống ghe để về trụ sở làm việc thì Đắc cởi trói cho ông Ni.
Trong khi đó, 5 bảo vệ là Ân, Tú, Lớn, Lang, Tuân đã ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống nước làm hư hỏng số tài sản này. Sang ngày 27/2, Tuân và Tuấn đến công trình tháo gỡ 4 khung sắt rồi ném xuống đầm tôm.
Cơ quan điều tra Công an huyện Nhơn Trạch xác định số xi măng bị hư hỏng có giá 3,4 triệu đồng trong khi sắt thép trị giá trên 300 ngàn đồng. Chủ đầm tôm 34 tuổi trình báo việc bị mất 2 điện thoại trong lúc giằng co với các bảo vệ cùng các tài sản khác nhưng không có cơ sở xác minh.
Theo Viện KSND huyện Nhơn Trạch, cơ quan đã truy tố 5 người trên về tội Hủy hoại tài sản vì ném 40 bao xi măng của chị Ngọc xuống nước. Riêng các tài sản khác bị bảo vệ tháo gỡ có trị giá dưới 2 triệu đồng nên Công an huyện Nhơn Trạch đã xử phạt hành chính những người liên quan.
Viện KSND Nhơn Trạch cũng đề nghị tòa tuyên 5 bị cáo với mức án từ 8-10 tháng tù treo.
Tại tòa, bà Ngọc nói rằng cáo trạng chỉ truy tố 5 người ném bao xi măng là chưa đầy đủ. Bà đề nghị mọi việc được xử lý một cách thỏa đáng, đúng pháp luật và không bỏ sót tội phạm.
Bà Ngọc cũng đề nghị tòa làm rõ việc phân công bảo vệ rừng làm nhiệm vụ thế nào để dẫn đến việc cha của bà bị bảo vệ bắt trói. Phụ nữ 34 tuổi đề nghị xử lý hành vi bắt, trói người của bảo vệ rừng. Chủ đầm tôm cũng đưa ra chi tiết bà bị đánh bằng gậy, bị bảo vệ giật 2 điện thoại ném xuống nước nhưng trong cáo trạng không thể hiện điều này.
Chiều cùng ngày, sau phần nghị án, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung với lý do nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ.
Diễn biến vụ chủ đầm tôm bị khởi tố oan
Tháng 2, bà Ngọc làm đơn tố cáo những bảo vệ của BQL rừng Long Thành có hành vi đập phá tài sản lên cơ quan công an.
Ngày 19/4, Công an xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) mời chủ đầm tôm lên trụ sở làm rõ vụ việc này. Tuy nhiên, khi bà Ngọc đến thì bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt giữ để điều tra vì liên quan đến một vụ Chống người thi hành công vụ xảy ra từ ngày 5/9/2015.
Theo tường trình của chủ đầm tôm, ngày 5/9/2015, phát hiện ghe hút cát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng việc nuôi thủy sản nên bà báo sự việc lên UBND xã Phước An và công an. Khi đến nơi, tổ công tác không lập biên bản tại chỗ mà yêu cầu di chuyển ghe cát khỏi vị trí nên bà giằng co. Người này lý giải hành vi ôm ống bơm cát để giữ ghe là muốn công an lập biên bản vụ việc tại chỗ.
Qua quá trình điều tra, nhà chức trách xác định việc khởi tố, bắt giam bà Ngọc là sai nên đình chỉ điều tra vụ án, thả tự do cho bà này. VKSND huyện Nhơn Trạch sau đó tổ chức xin lỗi công khai.
Trong vụ án, một số cán bộ thuộc VKSND huyện Nhơn Trạch bị kỷ luật, phê bình.