Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trả lương cho... lớp trưởng

Câu chuyện có thật vừa được trường THPT Long Bình, huyện Gò Công Tây (một trường vùng sâu của tỉnh Tiền Giang) thực hiện từ học kỳ II năm học 2014-2015 này.

42 lớp trưởng từ khối 6 đến khối 12 của trường đều được hưởng chế độ này.

Cô Cao Châu Thanh Thủy - Hiệu trưởng trường THPT Long Bình, cho biết chủ trương hỗ trợ vật chất cho lớp trưởng (còn gọi là trả lương) của trường đã chính thức được thực hiện từ tháng 1/2015 sau khi hội đồng sư phạm nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh biểu quyết tán thành.

Nhà trường không chi tiền mặt cho các em mà giảm trực tiếp 50% học phí và 50% tiền học thêm tại trường. Chỉ riêng học kỳ II năm học này, tổng số tiền chi “trả lương” cho 42 lớp trưởng khoảng 10 triệu đồng.

Bạn Trương Nguyễn Ngọc Yến (lớp trưởng lớp 9/1) ghi sổ đầu bài.
Bạn Trương Nguyễn Ngọc Yến (lớp trưởng lớp 9/1) ghi sổ đầu bài.

Xứng đáng trả công

Người đề xuất trả lương cho lớp trưởng là thầy Lê Minh Hoàng (giáo viên chủ nhiệm lớp 8/5).

Trong cuộc họp hội đồng sư phạm nhà trường vào tháng 12/2014, thầy Hoàng đã nêu đề xuất này và nói rõ mức chi. Khi đó tập thể giáo viên đã thảo luận sôi nổi và 100% tán thành đề xuất này, đồng thời đề nghị ban giám hiệu cho thực hiện ngay từ đầu học kỳ II.

Vấn đề này vượt thẩm quyền của hiệu trưởng do có liên quan đến học phí nên cô Thanh Thủy đã trao đổi với ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đề nghị hỗ trợ bằng quà cho đỡ rắc rối chuyện tiền bạc, sổ sách, chứng từ. Nhà trường cho rằng hỗ trợ quà không phù hợp vì sách vở, dụng cụ học tập học sinh đã có, nếu tiếp tục tặng cho các em có khi lãng phí.

Cuối cùng nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh thống nhất giảm 50% học phí chính khóa và chi phí học thêm là phù hợp nhất, tránh việc đưa tiền cho các em sẽ không hay.

Đối với phần giảm học phí, ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ chi trả để bù đắp bởi số tiền này không lớn. Riêng tiền học thêm chi hỗ trợ cho lớp trưởng (khoảng 8 triệu đồng/học kỳ), ban giám hiệu nhà trường tự nguyện đóng góp bằng hình thức trích khoản tiền học thêm bồi dưỡng cho ban giám hiệu.

Theo cô Thanh Thủy, tất cả giáo viên của trường đều thống nhất chi trả lương cho lớp trưởng vì các em làm rất nhiều việc, xứng đáng được nhận tiền công, dù chỉ là tượng trưng.

Khi quyết định trả tiền lương tức là thầy cô của trường ghi nhận những đóng góp quan trọng của các em đối với công tác giáo dục của nhà trường.

“Khi được ghi nhận và trả công, các em sẽ làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với lớp, với các bạn đã tin tưởng bầu chọn các em giữ trọng trách lớp trưởng. Thực tế cho thấy trong ban cán sự lớp gần như tất cả công việc đều do lớp trưởng gánh vác. Nhiều lúc thấy lớp trưởng chịu phạt thay cho lớp chúng tôi rất xót xa” - cô Thanh Thủy nói.

Thầy Lê Minh Hoàng, người đề xuất việc này, nói rằng môi trường giáo dục hiện nay khác ngày xưa. Lớp trưởng làm rất nhiều việc hằng ngày và là người đứng mũi chịu sào thay cho ban cán sự lớp. Bây giờ không còn hình thức truy bài đầu giờ nên vai trò của lớp phó học tập cũng không đáng kể, còn vai trò lớp phó lao động cũng không lớn vì mỗi năm chỉ lao động vài ba lần.

Thầy Hoàng kể: “Có một số lớp trưởng bị giám thị phạt đứng suốt một tiết trên văn phòng chỉ vì lớp của các em này có mấy bạn không đeo phù hiệu hoặc không mặc đúng đồng phục, rất tội nghiệp. Trường tôi có quy định học sinh nghỉ học thì hôm sau phụ huynh phải đến văn phòng xin giấy vào lớp. Học sinh đó phải cầm giấy vào lớp nộp cho lớp trưởng mới được vào học. Nếu không có giấy, lớp trưởng có quyền không cho vào lớp, tức là mời bạn mình rời khỏi lớp. Đa số lớp trưởng không dám làm việc này vì ngại và sợ bị bạn chửi, thậm chí trả đũa. Vì thế khi bị phát hiện thì lớp trưởng bị giám thị phạt. Tôi thấy lớp trưởng rất áp lực, rất cực nên mới đề xuất hỗ trợ cho các em”.

Động lực và áp lực

Bạn Trương Nguyễn Ngọc Yến (lớp trưởng lớp 9/1) cho biết bạn được tín nhiệm bầu giữ chức lớp trưởng suốt chín năm qua.

Công việc thường xuyên của bạn hằng ngày là điểm danh đầu giờ xem bạn nào vắng thì ghi lên góc bảng để giáo viên nắm, ghi sổ đầu bài, những tiết trống hoặc giáo viên bận không đến lớp được thì phải quản lý lớp, không để các bạn đùa giỡn gây ồn ào làm ảnh hưởng đến lớp bên cạnh, làm báo cáo cuối tuần, đến văn phòng nhận và trả đồ dùng dạy học mỗi ngày cùng nhiều công việc không tên khác.

Ngọc Yến kể vừa rồi bạn bị giám thị phạt đứng một tiết ở văn phòng vì tội “để bạn trong lớp không mang phù hiệu”.

Bạn tâm sự: “Khi đó em rất buồn, nản vì em không gây ra lỗi mà phải chịu phạt thay cho bạn có lỗi. Em rất muốn từ chức lớp trưởng vì áp lực quá, nhưng được thầy cô, bạn bè động viên nên em tiếp tục làm. Hiện giờ các bạn đã biết em được trả công làm lớp trưởng rồi nên sẽ yêu cầu em nhiều hơn, chắc là sẽ mệt hơn. Nhưng em thấy vui vì vai trò và công sức của em được thầy cô và bạn bè ghi nhận nên sẽ cố gắng làm thật tốt”.

Học kỳ II này trung bình một học sinh lớp 9 đóng 440.000 đồng tiền học phí và học thêm trong trường. Do lớp trưởng được giảm 50% nên bạn Ngọc Yến chỉ đóng 220.000 đồng.

Bạn cho rằng số tiền được trả công một học kỳ không phải nhiều, nhưng với học sinh vùng sâu thì cũng không hề ít.

Còn lớp trưởng lớp 12/3 Trần Ngọc Thùy Dương bảo rằng trong ba năm làm lớp trưởng đã có nhiều lần bạn bị suy sụp tinh thần vì một số bạn trong lớp không ủng hộ, không hợp tác.

“Có lần lớp em đi lao động, một nhóm bạn nam không làm gì mà tụ tập đùa giỡn. Em có nhắc thì một bạn không nghe, tức quá em đã đuổi bạn ấy đi về. Lúc đó em thấy vai trò của lớp trưởng như bù nhìn, các bạn bầu lên nhưng không tôn trọng nên em buồn lắm. Sau đó em có gặp bạn ấy để giải thích, nói chuyện thẳng thắn rằng nếu các bạn không ủng hộ thì em sẽ từ chức thì bạn có xin lỗi em. Sau này bạn ấy lao động tốt hơn trước, em thấy vui lắm. Một lần em vô lớp không thuộc bài, khi ra chơi các bạn nói xiên nói xỏ là làm lớp trưởng mà đi học không thuộc bài. Em buồn và mắc cỡ lắm vì mình chưa làm gương tốt cho các bạn” - Thùy Dương kể.

“Ban cán sự lớp có nhiều người nhưng chỉ trả lương cho lớp trưởng, các lớp phó có so bì không?” - chúng tôi đặt vấn đề.

Cô Thanh Thủy cho biết nhà trường có giải thích rõ vì sao chỉ hỗ trợ lớp trưởng. Thực tế lớp phó cũng thấy công việc của mình không có bao nhiêu nên không so bì.

Tuy nhiên nhà trường cũng sẽ có ưu đãi cho ban cán sự lớp, chẳng hạn như khi có nhà hảo tâm tặng sách vở, quà cáp thì sẽ đưa các em vào danh sách được tặng.

Tình cờ chúng tôi gặp bạn Lê Bảo Trân (lớp phó lớp 6/6) đến văn phòng nhận văn phòng phẩm cho lớp liền hỏi: “Đây là công việc của lớp trưởng, sao em làm thay? Có phải lớp trưởng nhờ làm giùm không?”.

Bảo Trân đáp: “Dạ không. Em vô sớm thì đi lấy cho lớp. Nhưng chiều bạn lớp trưởng sẽ đem cất ở văn phòng”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Lớp trưởng được trả công, lớp phó thì không có, em có thấy bất công không?”. Bảo Trân cười: “Dạ không. Bạn lớp trưởng làm nhiều việc cực lắm. Tụi em đâu có làm gì mà trả công”.

Cô Thanh Thủy nói do đây là lần đầu tiên trường thực hiện việc này nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các năm học tới vẫn sẽ giữ quy định này, nhưng chắc chắn sẽ nghiên cứu làm hay hơn, có thể tiền “lương” của lớp trưởng sẽ cao hơn và đương nhiên sẽ giao trách nhiệm cho các em nhiều hơn.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150206/tra-luong-cho-lop-truong/708171.html

Theo Vân Trường/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm