Thói quen chi tiêu có kế hoạch, tiết kiệm kèm định hướng đầu tư đúng đắn sẽ giúp người trẻ nhanh chóng đạt được mục tiêu tự do tài chính.
Tuy nhiên, việc chi tiêu có kế hoạch không đồng nghĩa với tiết kiệm tối đa hay cắt giảm những khoản đầu tư vào trải nghiệm cá nhân. Điều này cũng dẫn đến sự ra đời của các tài khoản premium, gói ưu đãi hay gói hội viên, mang đến trải nghiệm dịch vụ liền mạch hơn, song vẫn giúp người dùng tiết kiệm lâu dài. Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự trung thành của người dùng với các nền tảng, dịch vụ, nhất là trong giai đoạn “bão giá” hiện nay.
Tiết kiệm từ “săn” ưu đãi: Lâu dài hay ngắn hạn?
Với những tín đồ mua sắm, việc “săn” ưu đãi được xem là phương pháp tiêu dùng thông minh. Không chỉ “săn” ưu đãi khi mua sắm trên các sàn TMĐT, nhiều người dùng thậm chí còn “săn” mã khuyến mại để được giảm giá khi đặt xe hay đặt đồ ăn…
Tự gọi mình là “thợ săn” ưu đãi, Như Ngọc (23 tuổi, TP Thủ Đức) có thói quen mua sắm trên nhiều sàn thương mại điện tử và tích lũy “deal”, voucher trong những dịp đặc biệt. Cô còn tham gia một số nhóm kín Facebook “chuyên săn” khuyến mãi từ các app đặt đồ ăn, thẻ cào điện thoại.
“Nhìn tôi mua sắm nhiều, nhiều người sẽ nghĩ tôi phung phí. Nhưng đâu ai biết giá tôi chi trả cho món đồ đó hời 50-70% so với giá bình thường. Tất cả nhờ việc chăm săn deal”, Ngọc bày tỏ.
Tuy nhiên, cô bạn cũng thừa nhận việc tiết kiệm theo hình thức này dễ bị “cuốn theo cơn mua sắm”, dẫn đến việc mua “lố” nếu không có kế hoạch hay biết cân nhắc điểm dừng. Không ít lần Ngọc mua những món đồ giá rất rẻ nhưng sau đó chỉ để “trưng” trong tủ mà chẳng khi nào dùng đến.
Tiêu dùng thông minh là xu hướng được nhiều người trẻ quan tâm. |
Cũng là một người trẻ thích “săn” ưu đãi, tuy nhiên Hữu Vinh (25 tuổi, quận Phú Nhuận) lại phân định rạch ròi giới hạn khi sử dụng ưu đãi. Anh có thể tận dụng triệt để ưu đãi của nhiều sàn TMĐT khi mua sắm, nhưng sẵn sàng trả phí hàng tháng cho các dịch vụ cần trải nghiệm liền mạch như phim ảnh hay âm nhạc.
“Việc cải tiến app hay dịch vụ để mang đến sự liền mạch cho người dùng là điều cần thiết. Mình sẽ khó chịu khi đang chăm chú xem phim hay nghe nhạc, nghe podcast mà bị chen ngang bởi quảng cáo”, Hữu Vinh khẳng định.
Trả thêm phí để tối ưu trải nghiệm: Đầu tư “sinh lời”
Thực tế, không riêng Hữu Vinh, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng sẵn sàng trả phí cho các nền tảng giải trí để trải nghiệm không bị ngắt quãng.
Người dùng trẻ thích tối ưu trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm. |
Việc đăng ký tài khoản premium trên các nền tảng giải trí vì thế dần trở nên quen thuộc với một bộ phận người dùng. Chuyển mình theo xu hướng này, gần đây, một số ứng dụng đặt xe, giao đồ ăn đã ra mắt gói ưu đãi hay gói tiết kiệm - gồm các mã ưu đãi dành cho một dịch vụ cố định, cho phép người dùng mua trước các mã ưu đãi, sau đó sử dụng bất cứ khi nào họ muốn.
Chia sẻ về thói quen đặt xe công nghệ, Đỗ Minh Nhật (25 tuổi, TP Thủ Đức) cho hay: “Vì tính chất công việc phải di chuyển thường xuyên, tôi thường xuyên đặt xe công nghệ. Để tiết kiệm chi phí, tôi đăng ký mua các gói tiết kiệm với hơn chục mã giảm 10-20% dùng dần trong tháng. Trước khi đăng ký các gói này, tôi không dám đặt xe giờ cao điểm vì giá cước cao. Mấy lúc đó nếu hãng không có mã, tôi thường đi ké đồng nghiệp”.
Theo Minh Nhật, cách làm này không chỉ giúp anh tiết kiệm chi phí, thời gian mà còn mang đến trải nghiệm tiện lợi hơn. Với một số người trẻ hiện đại, tiêu dùng thông minh không chỉ nằm ở việc chi tiêu tiết kiệm, mà còn phải bảo đảm trải nghiệm dịch vụ được liền mạch, tiện lợi.
Gần nhất, hai TikToker Lê Thuỵ và Cuội SChannel - những người trẻ với tư duy tiêu dùng hiện đại - cũng có nhiều chia sẻ, thậm chí tranh cãi về xu hướng tiêu dùng thông minh trong thời “bão giá”. Độc giả hãy cùng đón xem podcast được đăng tải trên Tri thức trực tuyến ngày 15/6.