1. Nguyên nhân nào khiến răng ố vàng?
Theo The Health Site, những thủ phạm khiến răng ố vàng là thức ăn, thức uống, thuốc lá. Các món ăn có màu sậm, trà, cà phê, nước trái cây, rượu vang đỏ... đều có thể để lại những phân tử màu bám dính lên răng. Qua quá trình lâu dài, các phân tử này xâm nhập sâu bên trong các trụ men ngà, làm răng sậm màu rõ rệt. Ngoài ra, màu răng có thể thay đổi do chết tủy, do hóa chất qua đường máu, do tuổi tác, do di truyền, florua dư thừa. |
2. Tẩy trắng răng là gì?
Nha sĩ Trần Ngọc Đỉnh, nguyên Phó giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trần Hưng Đạo, TP.HCM, cho biết tẩy trắng răng thực ra là dùng Hydrogen Peroxide cho thấm qua lớp men để làm biến đổi màu của lớp ngà bên trong. |
3. Làm trắng răng có hiệu quả lâu dài?
Nha sĩ Đỉnh cho hay răng chỉ trắng được một thời gian từ 6-12 tháng, đòi hỏi phải tẩy lại thường xuyên. |
4. Những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tẩy trắng?
Sau khi tẩy trắng, bạn có thể gặp triệu chứng ê buốt răng. Triệu chứng ê buốt nhẹ khi tẩy trắng được coi là bình thường, gặp ở 60% số ca tẩy trắng. Ngoài ra, còn có thể bị kích thích nướu do thuốc tẩy trắng hoặc do máng tẩy trắng, bạn nên có phản hồi với bác sĩ để kiểm tra lại khi có vấn đề. Nướu có thể tự hồi phục sau vài ngày. |
5. Ai không nên sử dụng phương pháp này?
Người bị dị ứng với thuốc tẩy, phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi dễ kích ứng tủy, viêm lợi, hở cổ - chân răng, mòn răng cơ học lộ ngà răng cần thận trọng và không nên tẩy trắng răng. |
6. Làm sao để "góc con người" đẹp an toàn?
Để làm đẹp “góc con người” một cách an toàn và đơn giản, nha sĩ Đỉnh khuyên, tốt nhất bạn nên có chế độ chăm sóc nha định kỳ, vệ sinh răng miệng đúng cách (đánh răng một ngày 2-3 lần trước khi đi ngủ và sau các bữa ăn và dùng chải mềm). Quan trọng nhất là lấy cao men răng định kỳ 6 tháng một lần để làm sạch mảng bám gây ra bệnh nha chu. Bên cạnh đó, ta không nên dùng các thức ăn, thức uống có nhiều chất kích thích dễ bám màu như ăn trầu, uống trà, cà phê, thuốc lá, rượu... có thể góp phần làm ố màu bề mặt răng. |