Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải lòng dịp Tết của 'nữ hoàng lục bình' sau gần 10 năm vướng lao lý

Theo bà Bích, đây là năm đầu tiên được "sổ lồng" sau gần 10 năm đi tìm công lý. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường oan sai của bà có thể gặp thêm nhiều gian truân.

Giao xong chuyến hàng cuối năm tại Khánh Hòa, bà Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mây tre lá Ngọc Bích (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cùng tài xế quay về trong đêm để ăn cơm tất niên với xã viên nghèo ở quê nhà. Ngoài nồi thịt kho trứng, tiệc cuối năm nơi đây chỉ có thêm bông cải xào và lẩu bạch tuộc mà nữ chủ nhiệm mua về từ Nha Trang.

Theo bà Bích, đây là năm đầu tiên được "sổ lồng" sau gần 10 năm đi tìm công lý. Tuy nhiên, việc yêu cầu bồi thường oan sai có thể gặp thêm nhiều gian truân.

"Những năm qua Ban chủ nhiệm HTX cùng xã viên đón Tết nghèo. HTX từ chỗ ăn nên làm ra, mỗi tháng doanh thu trên 2 tỷ đồng đã giảm xuống còn khoảng 100 triệu vì tôi bị khởi tố và truy tố oan. Trừ chi phí mỗi tháng HTX lãi khoảng 45 triệu đồng và số tiền này được chi tiền lương cho hơn chục người", bà Bích chia sẻ.

Ly thân người chồng làm công an

Theo bà Bích thì hơn 10 năm trước HTX có trên 8.000 lao động. Sau khi nữ chủ nhiệm bị khởi tố thì nhiều xã viên bị công an mời để làm rõ việc bà Bích có hay không mở và dạy các lớp đan đát ký kết với Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh Sóc Trăng. Nhiều lần bị mời, xã viên nông thôn hoang mang và ảnh hưởng đến công ăn việc làm nên họ "chia tay" HTX.

Nu hoang luc binh anh 1
Sản phẩm làm ra từ nguyên liệu lục bình của HTX mang tên bà Bích. Ảnh: Việt Tường.

Đến lúc bà Bích ra tòa, không chỉ hàng trăm xã viên mà còn có nhiều cán bộ địa phương bị triệu tập. Qua nhiều lần xét xử, nhân chứng và người liên quan cũng "rụng" dần vì không ai có thể dành nhiều thời gian để ra tòa trong một vụ được gọi "kỳ án" ở Sóc Trăng.

Sau gần 4 năm TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên vô tội, đến tháng 7/2018, bà Bích mới được công an cùng cấp đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm. Lý do vụ việc kéo dài vì cơ quan công tố cho rằng... bà Bích có dấu hiệu phạm tội. 

Cụ thể là khi được tòa sơ thẩm tuyên vô tội thì bà Bích bị VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng có tội. Đến khi vụ án được điều tra lại lần thứ 3 ở cấp sơ thẩm thì "nữ hoàng lục bình" mới được minh oan.

"Được vạ thì má đã sưng. Chỉ vì trên 17 triệu đồng mà các cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng đẩy tôi vào lao lý, khiến HTX đứng bên bờ vực phá sản và hạnh phúc gia đình tan nát. Mấy năm qua, tôi không còn ở bên chồng mà cùng con trai đi Khánh Hòa, Phú Yên... mua bán trái cây, hải sản để kiếm tiền gây dựng lại HTX", bà Bích chia sẻ.

Nhắc lại chuyện cũ, bà Bích rơi nước mắt bởi nghe theo lời người chồng làm công an ở huyện mà người vợ mang tiền đi nộp cho cơ quan điều tra. Số tiền trên 17 triệu đồng là tiền công của HTX khi ký kết hợp đồng đào tạo nghề cho TTKC Sóc Trăng nhưng sau khi nộp thì bà Bích bị khởi tố vì khi đó cơ quan điều tra cho rằng đây là tiền "khắc phục hậu quả".

Nu hoang luc binh anh 2
Nước mắt của "nữ hoàng lục bình" sau khi được TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên vô tội vào năm 2015. Ảnh: Việt Tường.

Theo bà Bích, sáng 12/11/2010, công an đến nhà để bắt bà. Hay tin bà bỏ trốn, nhà chức trách gây áp lực nên người chồng gọi điện kêu bà Bích về. Cho rằng không được chồng bảo vệ lúc hoạn nạn, người phụ nữ bị hàm oan này đã quyết định ly thân chồng.

Yêu cầu bồi thường oan sai

Những ngày cuối năm 2018, bà Bích đến VKSND tỉnh Sóc Trăng để yêu cầu xin lỗi và bồi thường oan sai. Tuy nhiên, cơ quan công tố trả lời rằng trách nhiệm thuộc về tòa án.

"VKS nói tòa từng tuyên tôi 6 tháng tù treo thì tòa phải có trách nhiệm xin lỗi và bồi thường oan sai. Tuy nhiên, theo tôi thì tòa xử lần hai tuyên tôi vô tội mà VKS cứ kháng nghị, không chịu 'tha' cho tôi thì việc bồi thường và xin lỗi là trách nhiệm của VKS", bà Bích nói.

Hiện, bà Bích đang nhờ luật sư thống kê lại những tổn hại về vật chất và tinh thần trong 10 năm vướng lao lý. Trước mắt, bà muốn cơ quan nào đã gây hàm oan cho mình phải công khai xin lỗi để mọi người biết rằng Chủ nhiệm HTX Ngọc Bích không phải là người tham lam, không tham ô tiền Nhà nước. Còn việc bồi thường oan sai thì nếu các cơ quan tố tụng "đùn đẩy" thì bà Bích sẽ kiện ra tòa.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng rách nhiệm bồi thường và xin lỗi oan sai đối với bà Bích bao gồm 3 cơ quan là công an, VKS và tòa án. Theo ông Đức, các cơ quan này nên "ngồi lại với nhau" để bàn hướng thực hiện trách bồi thường oan sai cho nữ chủ nhiệm HTX vì họ đã từng khởi tố, truy tố và tuyên bà Bích 6 tháng tù.

Nu hoang luc binh anh 3
Nông dân bắt đầu quay lại HTX của bà Bích để nhận nguyên liêụ lục bình mang về nhà đan giỏ. Ảnh: Việt Tường.

Còn luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì đề cặp sâu đến trách nhiệm của cơ quan công tố. Theo ông Thi, lần xét xử đầu tiên TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bà Bích có tội nhưng xử lần 2 thì nơi đây tuyên vô tội. Do đó, trách nhiệm bồi thường và xin lỗi oan sai trong trường hợp này không còn thuộc về tòa án.

Sau khi được tòa tuyên vô tội, VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị theo hướng xét xử bà Bích có tội và vụ án kéo dài thêm nhiều năm. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan công tố tiếp tục kéo bà Bích vào lao lý.

Cụ thể là VKSND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục có cáo trạng truy tố "nữ hoàng lục bình" sau khi vụ án quay về vạch xuất phát lần 3. Tuy nhiên, tòa án sau đó trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Công an Sóc Trăng đã không chứng minh được hành vi phạm tội của bà Bích nên buộc phải đình chỉ điều tra.

Tháng 5/2010, bà Bích bị Công an Sóc Trăng khởi tố về hành vi Tham ô tài sản. Trước đó, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam nguyên Giám đốc TTKC Sóc Trăng là ông Ngô Hồng Phi (63 tuổi) và 5 người khác về hành vi Tham ô tài sản, gồm: Nguyễn Quốc Trung (40 tuổi), Đặng Minh Út (42 tuổi), Nguyễn Thế Vương (41 tuổi), Huỳnh Văn Bảy (53 tuổi) và Trần Tấn Là (66 tuổi).

Trong đó, Trung, Vương, Út là thuộc cấp của ông Phi; ông Bảy là cán bộ Phòng Kinh tế huyện Kế Sách; bà Bích với ông Là làm chủ nhiệm 2 hợp tác xã thủ công mỹ nghệ.

Hồ sơ tố tụng thể hiện năm 2006-2007, TTKC Sóc Trăng được giao 39 đề án thực hiện mô hình, mở lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân. Tổng kinh phí được cấp cho những đề án này trên 1,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2007, hồ sơ tạm ứng, thanh toán thể hiện hơn 1,37 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện các phần việc được giao, ông Phi bị cho là chỉ đạo kế toán Út thanh toán đúng với con số được duyệt, hoàn thành 39 đề án vì tiền đã được tạm ứng nhập quỹ cơ quan do chuyên viên Nguyễn Quách Hồng Quyên (đã trốn ra nước ngoài) quản lý.

Còn Trung, Vương bị cáo buộc tìm đến các chủ nhiệm hợp tác xã để thỏa thuận ký kết những hợp đồng dạy nghề, nhưng chỉ thực hiện một phần và khai man chứng từ thanh toán, chiếm đoạt 402 triệu đồng. Trong đó, bà Bích bị cáo buộc tham ô 17,6 triệu, ông Phi 30,6 triệu đồng, Vương 21 triệu đồng, Trung 13,4 triệu đồng, Út 17,7 triệu đồng...

Qua nhiều năm điều tra, VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng trong 402 triệu đồng, cơ quan điều tra chứng minh được các bị cáo tiêu xài cá nhân gần 129 triệu đồng, còn lại 283 triệu đồng là chi sai nguyên tắc khi tiếp khách, đi công tác... Trong đó, Vương, Trung bị cơ quan công tố quy trách nhiệm tương đương với Phi, Út về số tiền gần 129 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ ba ngày 28/5/2018, HĐXX trả hồ sơ điều tra lại để làm rõ nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Đến chiều 4/7, bà Bích chính thức được đình chỉ điều tra.

Tháng 10/2018, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt ông Phi 3 năm tù về tội Tham ô tài sản. Cùng tội này, ông Út lĩnh 2 năm tù; Trung và Vương mỗi người bị phạt 18 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Còn ông Là và Bảy cũng lĩnh án bằng thời gian bị tạm giam là 4-7 tháng 18 ngày.




Việt Tường

Bạn có thể quan tâm