Khi thấy Đài KBS Hàn Quốc đang tuyển người làm chuyên mục "Âm nhạc Hàn Quốc - Giai điệu bạn bè", Phạm Thanh Nga không ngần ngại nộp đơn đăng ký, dù nữ sinh biết công việc này rất áp lực và ít người có thể trụ vững trong thời gian dài.
Trải nghiệm tại đài KBS
Phạm Thanh Nga sinh năm 1990, hiện học thạc sĩ khoa Giảng dạy tiếng Hàn dành cho người nước ngoài tại Đại học Inha (Incheon, Hàn Quốc). Cô từng học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), sau năm thứ ba, nhận được học bổng trao đổi sang Đại học ngoại ngữ Busan. Học tiếp 2 năm, tốt nghiệp, 9X nhận học bổng toàn phần tại trường Inha.
Phạm Thanh Nga và bạn dẫn người Hàn Quốc tại đài KBS. Ảnh: NVCC. |
Nga tâm sự, để có được vị trí tại đài phát thanh lớn nhất Hàn Quốc, cô phải qua được vòng hồ sơ, sau đó là thử thách phỏng vấn với Ban tiếng Việt của đài.
Tiếp theo, cô phải viết thử bài theo khung chương trình để thể hiện năng lực viết kịch bản. Việc dịch tin tức để phát trên sóng quốc gia cần độ chính xác rất cao. Sau khi bài viết được đánh giá đạt chuẩn thì qua kiểm tra khả năng thu âm. Và cuối cùng, dù được nhận, nhân viên cũng phải quyết tâm cao với công việc. Sự cách biệt về ngôn ngữ, văn hoá, phong cách làm việc khiến mọi thứ càng trở nên khó hơn.
"Người Hàn làm việc rất kỷ luật và đúng giờ. Bạn hãy tưởng tượng một ngày của một nhân viên văn phòng bắt đầu lúc 6h sáng. Họ uống vội ly cà phê rồi chen chúc trên những chuyến tàu điện chật kín người. Đến chỗ làm, họ lao đầu vào xử lý công việc, buổi trưa ăn vội rồi lại vào guồng 'cày cuốc'.
Đến giờ tan sở mà sếp chưa đứng lên thì mình cũng không được về. Lỡ như hôm đó sếp muốn đi nhậu, dù không muốn, cũng phải đi. Mệt lử sau khi cuộc vui kết thúc lúc 3, 4h sáng thì hôm sau vẫn phải đầu tóc chỉn chu bước vào công ty đúng giờ. Nhân viên phải yêu công ty như gia đình", Thanh Nga tâm sự.
Thực hiện một chương trình phát thanh tiếng Việt dành cho người Việt tại Đài KBS với Nga vừa là thử thách, vừa là cơ hội. Cô bạn chia sẻ mình như có cảm giác đang kết nối chính bản thân với hàng triệu người Việt xa quê. Làm về truyền hình bao giờ cũng đầy áp lực về thời gian, chất lượng dịch thuật, nội dung bài. Những khi trục trặc thu âm, Nga phải ở lại làm việc qua 24h. Cô bảo có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến ý nghĩa công việc mình đang làm, Nga lại vùng dậy "chiến đấu".
Mức lương ở đài KBS dựa vào số trang bài viết và thời lượng thu âm, nhìn chung có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nữ sinh tại Hàn Quốc. Với Nga, điều quan trọng là học được kỹ năng ứng biến và bình tĩnh trong mọi tình huống, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, viết, dịch thuật, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, áp lực cao. Đặc biệt, cô có cơ hội tiếp xúc người nổi tiếng.
Ngoài việc làm thêm ở đài KBS, Nga còn làm thông dịch cho một số dự án như thoát nước hồ Bảy Mẫu ở Hà Nội, dự án đào tạo nhân viên Samsung , CGV và LG Innofest. Nữ sinh còn viết blog về cuộc sống Hàn Quốc và mở quán cà phê Hàn tại TP HCM.
Từng loay hoay không biết mình là ai
Như không ít bạn trẻ lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ, Nga từng không biết mục đích cuộc sống của mình. Cô gái sinh năm 1990 đã chọn ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chỉ vì thấy "có vẻ hay hay". Cơ hội sang Hàn Quốc du học và nhận học bổng thạc sĩ cũng đến với nữ sinh đầy bất ngờ.
Nga là tín đồ của chủ nghĩa xê dịch. Cô thích du lịch và viết lại trải nghiệm về hành trình của mình.Ảnh: NVCC. |
Trong những năm đầu tiên ở Hàn Quốc, Nga là học sinh gương mẫu, nghe lời thầy cô, chỉ biết đến học và học. Cô từng rất tự hào về những năm tháng học hành vất vả của mình để có được bảng điểm tốt nghiệp đẹp: 4,4 trên 4,5. Cho đến một ngày, nữ sinh tham gia thử cuộc thi Nói tiếng Hàn do Hội người Hàn Quốc yêu Việt Nam tổ chức.
"Tôi đã rất tự tin, thế nhưng khi bước lên sân khấu, tôi như bị vỡ vụn và ôm thất bại ê chề ra về. Thứ tôi thiếu chính là sự va vấp để trưởng thành", nữ sinh chia sẻ.
Vậy là cô gái 9X đời đầu này quyết định lột bỏ tấm vỏ bọc "gương mẫu" để lăn xả vào cuộc sống. Câu nói mà cô luôn tâm niệm mỗi khi dấn thân vào một việc nào đó là "không sợ vấp ngã, không sợ thất bại".
Cũng từ đó, nữ sinh bắt đầu đăng ký đi tình nguyện nhiều nơi, từ quyên góp máy tính cho các em học sinh quận Bình Chánh TP HCM, đi theo đoàn bác sĩ tình nguyện Hàn Quốc về Việt Nam chữa bệnh miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, dạy tại lớp học tiếng Hàn miễn phí của thành phố Kimhae cho các anh chị em lao động hay cô dâu Việt Nam, làm tư vấn viên cho các bạn Việt Nam đang tìm kiếm học bổng du học tại Viện Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc, cơ quan chính phủ chuyên cấp học bổng chính phủ cho sinh viên quốc tế, và là cơ quan duy nhất cấp bằng Năng lực tiếng Hàn trên toàn thế giới.
Giờ đây, Nga là nghiên cứu sinh năm cuối và công tác tại đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, với vai trò cầu nối giữa 6 triệu kiều bào Việt Nam với quê nhà. Với trải nghiệm học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Nga hy vọng có thể mở một không gian giao lưu văn hoá Hàn Quốc sau khi về Việt Nam.