Trở lại Thung lũng sinh Tồn thuộc Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng để tham gia vào đoàn famtrip khám phá hành trình 6 km xuyên hang Tối, tôi lại bước chân trên những ghềnh đá, khe suối và hang động quen thuộc của rừng Phong Nha. Hành trình 2 ngày một đêm này là những giây phút không thể quên trong đời.
Thung lũng Sinh Tồn, đi để nhớ
Xe để chúng tôi lại bìa rừng tại Km 19 đường mòn Hồ Chí Minh Tây để cho 23 người (12 khách và 11 người gồm tour guide, trưởng đoàn cùng 9 porter) bắt đầu khám phá Thung lũng Sinh Tồn trước khi đến cửa sau hang Tối.
Bắt đầu cuộc hành trình vào Thung lũng Sinh Tồn. Ảnh: Văn Được. |
Thung lũng Sinh Tồn là một dải rừng nguyên sinh thuộc phân khu trung tâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Chúng tôi lần lượt qua những dải rừng thưa, leo qua nhiều vách đá cheo leo. Nắng nóng cuối tháng 8 cùng với nhiều trở ngại trên đường rừng như thử thách bước chân của những người quen sống ở thành phố đi trên đường phủ nhựa láng bóng. Đi được chừng gần 2 km, chị Tạ Thị Hạnh (27 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đề nghị dừng chân nghỉ lại.
"Mọi người tạm nghỉ 5 phút thôi nhé. Hành trình còn dài và khá vất vả, chúng ta phải đi nhanh để đến nghỉ trưa, vui chơi tại hang E", tiếng tour guide Trần Quốc Tài (30 tuổi) vang lên giữa núi rừng.
Đoàn tiếp tục hành trình đi dưới tán rừng, lội qua nhiều khe suối. Thi thoảng, anh Tài đề nghị mọi người dừng lại dưới gốc cổ thụ hàng trăm tuổi hoặc những vách đá đẹp để mọi người cùng thưởng ngoạn. Chất giọng to, vang xa của người hướng dẫn viên nhiệt tình đem lại cảm giác quen thuộc cho khách, xua tan những mỏi mệt trước mắt.
Tour guide Trần Quốc Tài đang giới thiệu về sự đa dạng sinh học của rừng Phong Nha - Kẻ Bàng khi đoàn nghỉ chân dưới gốc cây gỗ táu hàng trăm tuổi. Ảnh: Văn Được. |
Dẫn đường là anh Phạm Hải Thoại, porter có gần 20 năm biên chế của Trung tâm du lịch Phong Nha có nhiều kinh nghiệm đi rừng. Anh Thoại nhẹ nhàng dặn mọi người đeo bao tay vào để tránh loại lá có tên "nàng Hai", bởi nếu chạm vào da, loại cây rất độc này có thể gây ngứa ngáy suốt cả tuần.
Trên hành trình, chị Alaysia Danielle (26 tuổi, đến từ Vancouver, Canada) liên tục được anh Tài giải thích về các loại cây rừng, vấn đề bảo vệ rừng. Cô gái da trắng ngắm những tàng cây, vách đá một cách lạ lẫm, đầy say mê.
"Tôi đến Việt Nam làm việc 3 năm nhưng chỉ đến Phong Nha được 3 lần. Đi bộ dưới rừng nguyên sinh đầy những cây cổ thụ ở Phong Nha thật thú vị. Tôi rất thích cảm giác này", Alaysia nói.
Khoảng 10h, đoàn đến trước hang E, hay còn có tên là hang Thuỷ Cung. Alaysia hét lên đầy thích thú "đẹp quá, đẹp quá". Hang E nằm trên một hành trình tự nhiên với hang Tối, bởi nước ngầm chảy ra từ hang động này sẽ chảy vào cửa sau của hang Tối để hoà mình và sông Chày, một nhánh của sông Son.
Anh Thọ trưởng đoàn thông báo cho mọi người nghỉ trưa trước cửa hang E trong khi những porter nhanh chóng chuẩn bị nhóm lửa để xua loài bọ có tên mò tró luôn vây quanh mọi người để hút mồ hôi. Trước cửa hang E là những tảng đá to xếp chồng liền nhau thành một dãy non bộ tự nhiên. Chính tại nơi đây, tôi và vợ mình từng ngồi bên nhau ngắm trời đất trong chuyến đi lần trước đến Thung lũng Sinh Tồn.
Theo sự hướng dẫn của anh Thọ và anh Tài, mọi người mang áo phao vào để khám phá hang E, nơi có hồ bơi tự nhiên với dòng nước trong vắt nên được gọi là Thuỷ Cung. Cả đoàn được dẫn bơi ngược dòng nước, vào khám phá gần 300 m lòng hang cùng với đèn chiếu sáng chuyên dụng.
Ai cũng phấn khích vùng vẫy dưới dòng nước mát lạnh của hang Thuỷ Cung, tạm thời xua tan những mỏi mệt. Bữa trưa cho mỗi người là bánh bao cùng với xôi hộp và sữa tươi được các porter khuân vào. Ai cũng ăn hết sạch sau khi bơi lội, vùng vẫy khám phá.
Tắm mát tại hồ bơi tự nhiên trước cửa hang Thuỷ Cung. Ảnh: Văn Được. |
13h, đoàn tiếp tục hành trình vượt hết Thung lũng Sinh Tồn dài 8 km đường rừng sau khi đã bổ sung và tích trữ năng lượng trong bữa trưa. Chặng đường đến cửa sau hang Tối còn khoảng 4 km dễ đi hơn, khi mọi người chỉ men theo dòng nước nối từ hang Thuỷ Cung. Đoạn khó đi nhất là khi phải vượt qua con suối sâu ngang thắt lưng người bình thường, nhưng mọi người sẽ được đền đáp bằng những bức hình ghi lại tại "cổng Trời thu nhỏ" của Thung lũng Sinh Tồn.
16h30, vượt qua những con dốc, những con đường trơn trượt, chúng tôi chính thức đặt chân đến hang Nước Lặn, cửa sau của hang Tối nằm thu mình dưới vách núi khổng lồ cao hàng chục mét.
Trải nghiệm không thể quên
Trước khi đi xuyên hang Tối, đoàn hạ trại, nghỉ qua đêm trước cửa hang Nước Lặn. Những porter đã nhanh chóng đến trước, nấu cơm, nướng thịt. Những vị khách đầu tiên trong hành trình famtrip xuyên hang Tối được hướng dẫn thay quần áo, cởi giày dép, vớ bảo hộ, tắm suối trước khi thưởng thức bữa tối.
Những porter là những đầu bếp không chuyên, nhưng lại rất sành trong chế biến món ăn, đang nướng thịt chuẩn bị cho bữa tối thịnh soạn trước cửa hang Nước Lặn. Ảnh: Văn Được. |
Thức ăn cho bữa tối của mọi người là cơm nấu củi cùng gà nướng, thịt heo nướng, canh hầm, rau cuốn bánh. Xong bữa tối, những ly rượu vơi dần cũng là lúc bóng tối bao phủ xuống khắp núi rừng. Đàn chim yến hàng trăm con bay về hang sau một ngày kiếm ăn bên ngoài tạo nên một khung cảnh ngoạn mục, khiến những vị khách của núi rừng không khỏi trầm trồ.
Bữa tiệc đêm ở nơi không có điện, không có sóng di động còn kéo dài cùng những trò chơi hấp dẫn do tour guide Trần Quốc Tài bày ra. Ở nơi tách biệt với thế giới hiện đại, chị Nguyễn Thị Mai Trang (39 tuổi, trú tại TP Huế) nằm trên chiếc võng thả hồn theo những suy tưởng về gia đình, bạn bè. Chị Trang nói rằng, mỗi người cần những lúc tách biệt khỏi môi trường mình đang sống một khoảng thời gian để suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai, xác định cho mình những hướng đi công việc phía trước.
Trò chơi đánh cờ tú lơ khơ quẹt nhọ nồi hoặc son môi lên mặt rất ăn khách trong đêm hạ trại trước cửa hang Nước Lặn. Ảnh: Văn Được. |
21h, dưới cửa hang trong rừng núi Phong Nha, những porter đã đi ngủ sớm sau hành trình mỏi mệt. Những vị khách đến từ thành thị không khỏi thích thú với không gian thiếu ánh sáng, y hệt thời kỳ khan hiếm điện. Dưới ánh nến le lói, vẫn còn 10 người trong đoàn quây quần bên trò chơi cờ tú lơ khơ, người thua bị vẽ lên mặt bằng những vệt nhọ nồi hoặc son môi. Trò chơi mãn cuộc lúc 23h, khi mọi người đều thấm mệt sau quãng đường dài cần ngủ lấy sức cho ngày mai vượt 6 km xuyên hang Tối.
Buổi sáng bắt đầu bằng những tiếng nói chuyện, tiếng leng keng của nồi chảo do porter dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho đoàn. Ăn xong, 9 porter theo đường bộ quay về. 12 du khách được tháp tùng bởi trưởng đoàn, tour guide, porter Thoại dẫn đường và chuyên gia leo núi Võ Thiên Bảo đến từ công ty Everest Việt.
Vừa bước chân vào hang Nước Lặn, đoàn đã phải bơi chừng 100 m đầu tiên. Máy ảnh, áo quần được cất vào túi chống nước do porter hoặc tour guide mang trên lưng. Cùng với đai an toàn mang trên hông, áo dài tay cùng mũ bảo hiểm gắn đèn chuyên dụng, chúng tôi lặng lẽ đi trong bóng đêm của hang Tối.
Đoàn đi qua những lối đi dễ nhất trong lòng hang cao hàng chục mét nhưng không hề dễ dàng. Vật cản thông dụng nhất đối với chúng tôi là những vách đá. Để xuyên hang Tối, bắt buộc người tham gia phải tự mình bơi qua nhiều đoạn nước sâu và lạnh với tổng chiều dài khoảng hơn 2 km. Dù được trang bị áo phao trên người, đó vẫn là thử thách thực sự đối với cả những người bơi giỏi chứ chưa nói đến những người không biết bơi như tôi.
Anh Thoại dẫn đường, luôn khuyến khích tôi thực hiện những động tác với tay, đạp chân để đẩy mình về phía trước dưới làn nước lạnh trong hang. Những lúc mệt quá dừng lại giữa dòng nước, tôi luôn nghĩ về cuộc sống bên ngoài, về gia đình, bạn bè và những công việc gắn với nghiệp mưu sinh của mình.
Những điểm nghỉ chân của cuộc hành trình đều được gọi bằng những cái tên mỹ miều, mang nhiều ý nghĩa. Bãi cát Tiên rộng lớn với những khối thạch nhũ nhỏ đều như những nàng tiên đang vui đùa trong bóng tối. Dừng chân bên bãi đá Tình nhân, mỗi người chọn sự im lặng cho riêng mình dưới màn đêm.
Đi dưới những vách đá đen ngòm, hình thù kỳ dị trong hang Tối. Ảnh: Văn Được. |
Có đoạn như cả thế trận đá nhọn ngổn ngang ngâm mình dưới dòng nước như trận Bạch Đằng giang chực chờ nuốt gọn những ai lọt vào. Một đoạn khác, cung điện rộng rãi với vô khối thạch nhũ rũ xuống như hàng trăm chiếc đèn chùm xuất hiện, tạo cảm giác như đứng dưới một cung điện thân quen. Đi trong hang Tối, tôi như lạc vào một thế giới vừa lạ lẫm vừa quen thuộc xen lẫn nỗi sợ hãi khi nhìn về phía trước, bởi không thể quay lại khi đã tham gia cuộc hành trình.
Sau những lời động viên của trưởng đoàn cùng chuyên gia leo núi, mọi người bước vào chặng khó nhất, được cho là thử thách sự sống và cái chết của mọi người trong hang Tối, leo qua những vách đá cao hàng trăm mét để vượt Dốc tử thần. Anh Thoại dẫn đường, cách 5 phút từng người một leo lên để tránh người đi trước đạp phải đá rời leo xuống. Anh Bảo, chuyên gia leo núi, lần lượt hướng dẫn từng người leo lên đỉnh dốc. Phần thưởng cho mọi người là nhìn thấy bãi thạch nhũ non mang tên Bãi hoa đá trên đỉnh tử thần cao hàng trăm mét. Vào mùa lũ, nước có thể dâng cao đến chỗ chúng tôi đang đứng.
Leo lên đã khó, nhưng tuột xuống khỏi vách đá còn khó hơn. Từng người một được anh Bảo đeo dây an toàn để bám xuống dưới. Đích thân chuyên gia leo núi này cầm dây an toàn hạ từng người xuống. Xuống khỏi đỉnh dốc tử thần là tảng đá được đánh dấu bằng dòng chữ tiếng Anh "OK! You win" dành cho những người chiến thắng, bởi chỉ còn vài trăm mét đi bộ và lội suối đơn giản là đến cửa chính hang Tối.
Đoàn dừng lại để rẽ vào khu tắm bùn. Đắm mình dưới hồ chứa đầy bùn khoáng cũng sẽ là một trải nghiệm không thể quên. Bạn không bao giờ bị chìm, bởi bùn ở đây có khối lượng riêng rất lớn, luôn đẩy cơ thể chúng ta nổi lên.
Sau khi tắm bùn thoả thích, mọi người sẽ bơi thêm một đoạn chừng 100 m để ra cửa hàng Tối. Ánh sáng hiện lên từ phía xa như đưa mọi người từ cõi tử thần trở về. Niềm vui như vỡ oà trong mỗi người sau 6 giờ đi trong bóng đêm đen ngòm, vượt qua nhiều thử thách giới hạn của con người.
Trở về sau chuyến đi Hang Tối, với tôi và tất cả những ai đã từng đi xuyên qua quãng đường 6 km, đây chính là trải nghiệm để đời.