Ngày 7/5/2020, Whitnee Hawthorne sinh con trai thứ 2 tại bệnh viện ở thành phố New York - một trong những điểm nóng Covid-19 của Mỹ trong những tháng đầu dịch bùng phát. 10 tháng sau, em bé vẫn chưa thể gặp ông bà nội, những người sống ở tiểu bang Louisiana.
Hawthorne chia sẻ với New York Post rằng cô may mắn có chồng ở bên trong quá trình vượt cạn. Vài tuần trước khi cô sinh, bệnh viện đã gỡ bỏ lệnh cấm người thân được ở gần sản phụ.
Hawthorne nói nếu phải sinh nở một mình, cô sẽ rời khỏi New York.
“Tôi nhận thức sâu sắc về tỷ lệ tử vong cao ở sản phụ da màu. Tôi cũng từng có trải nghiệm tiêu cực với y tá trong lần sinh đầu tiên”, cô lý giải.
Vợ chồng Whitnee Hawthorne và con trai mới sinh tại Bệnh viện Mount Sinai West ở New York tháng 8/2020. |
Lo lắng khủng khiếp
Tương tự Hawthorne, Nneoma Maduike, người gốc Nigeria, sống ở quận Brooklyn (New York), phải đeo khẩu trang khi sinh con thứ 2 vào ngày 1/8/2020.
Maduike cho biết thời điểm đó, thông tin thay đổi liên tục khiến cô không kịp nắm bắt.
“Tôi lo lắng khủng khiếp vì không biết phải làm theo hướng dẫn nào. Hơn nữa, chồng tôi là bác sĩ, hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Anh ấy thường xuyên ghé qua chăm sóc vợ khiến tôi càng lo hơn”, cô nói.
24 tiếng sau khi mổ lấy thai, Maduike được cho về nhà. Thời điểm đó, bệnh viện cố gắng bảo vệ các bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng cách đưa họ ra ngoài sớm, đồng thời giảm tải cho đội ngũ y bác sĩ.
Trước đó, không ai được phép ghé thăm mẹ con Maduike tại bệnh viện, trái ngược hoàn toàn với trải nghiệm sinh con đầu của cô. Mẹ của Maduike, sống ở tiểu bang Texas, cũng không thể ở lâu để chăm sóc cháu ngoại.
Maduike sẽ không thể quên lần đầu gặp con qua lớp khẩu trang. “Điều này có gì đó thật buồn. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra khi tháo bỏ tấm vải ngăn cách đó”, cô nói.
Do lệnh hạn chế đi lại giữa đại dịch, chồng của Maduike bị mắc kẹt ở Nigeria và vẫn chưa thể gặp con.
Liz Teich ngay sau khi sinh nở tại bệnh viện ở quận White Plains, New York tháng 4/2020. |
Tháng 2/2020, Liz Teich cùng gia đình chuyển từ quận Brooklyn đến ngoại ô New Rochelle trước khi cô sinh con thứ 2 khoảng 2 tháng.
Trớ trêu thay, đây lại là khu vực bùng dịch và gia tăng số ca mắc Covid-19 sớm nhất ở Mỹ.
Thời điểm Teich chuyển dạ, bệnh viện vừa dỡ bỏ lệnh cấm người thân sản phụ có mặt ở phòng sinh trước áp lực của các phụ nữ chuẩn bị lâm bồn.
“Chồng phải rời bệnh viện 2 tiếng sau khi tôi sinh. Ở lần vượt cạn đầu tiên, tôi bị băng huyết. Bởi vậy, tôi thực sự lo lắng nếu phải sinh con một mình giữa đại dịch, khi bệnh viện trong tình trạng thiếu nhân sự”, cô nói.
30 tiếng sau khi sinh, mẹ con Teich được về nhà.
“Tôi thậm chí không tắm ở bệnh viện vì quá sợ hãi. Không ai biết liệu virus có lây nhiễm trong không khí hay bám trên các bề mặt hay không. Trước đó, tôi chủ yếu chuyển dạ ở nhà vì không dám đến bệnh viện”, Teich kể lại.
Tại bãi đỗ xe của bệnh viện, Teich thấy mình đau đớn gấp bội khi các cơn co thắt lần lượt kéo đến cách nhau chưa đầy 2 phút.
“Tôi nghĩ nếu mình sinh con trong xe có thể sẽ an toàn hơn trong bệnh viện”, cô cười.
Không thể tiếp xúc gần
Parham Zar, người sáng lập và giám đốc điều hành của Viện Hiến trứng và Mang thai hộ ở thành phố Los Angeles (tiểu bang California), cho biết trong những tháng đầu dịch bùng phát, 52 trường hợp nhờ người đẻ thuê ở đơn vị ông đã bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế đi lại.
“Phần lớn cha mẹ ruột của những đứa trẻ đến từ Trung Quốc. Họ không thể đến Mỹ để đoàn tụ với con cái và phải thuê người chăm sóc chúng trong nhiều tháng”, Zar nói.
Jen Guyuron, sống ở thành phố Cleveland (tiểu bang Ohio), sinh con gái Gigi vào tháng 3/2020. Hiện tại, cô mang thai em bé thứ 2.
“Chưa ai được gặp bé Gigi và giờ vợ chồng tôi lại sắp có con. Bệnh viện gần như đóng cửa ngay khi tôi nhập viện vào năm ngoái. Tôi nhớ từng nói với chồng rằng tốt hơn hết anh ấy không nên ho hoặc hắt hơi. Chúng tôi đang ở chế độ sinh tồn”, Guyuron nhớ lại.
Bé Gigi được người thân ghé thăm qua lớp cửa kính vào tháng 3 và 4/2020. |
Như một sự chào đón đặc biệt cho con gái sắp chào đời, Guyuron viết cuốn sách dành cho trẻ em có tựa đề “Em bé trong cửa sổ”. Cô muốn nhắn nhủ tới những phụ nữ sinh con trong đại dịch rằng họ không đơn độc.
Trong trường hợp của Gigi, người thân đều gặp cô bé lần đầu tiên qua cửa sổ nhà Guyuron.
“Có rất nhiều nỗi buồn khi bị cô lập trong nhà mà không có gia đình bên cạnh. Việc làm mẹ trong đại dịch thực sự rất khó khăn”, cô nói.
Do Gigi hầu như chỉ nhìn thấy người thân đeo khẩu trang, Guyuron tự hỏi liệu cô bé có sợ hãi khi họ lộ mặt.
“Tôi mong là con bé không cảm thấy hoảng loạn trong giây phút thật sự được đoàn tụ với người thân”, Guyuron nói.