Cô bé trong thế giới phù hoa
Hoàng Thanh T. (học sinh một trường THPT tại Bến Tre) bất ngờ sa sút, có nguy cơ nghỉ khi kỳ thi cuối cấp sắp tới. Mẹ cô phải đưa đi chữa bệnh nhiều nơi tốn kém. Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi T. là học sinh khá giỏi, ngoan hiền.
Gặp bác sĩ, nữ sinh cho biết cô mệt mỏi, buồn chán, không muốn đến trường. Khi được các bác sĩ gặng hỏi nguyên nhân, cô im lặng hoặc trả lời không biết. Họ cho rằng có thể cô bị căng thẳng, học quá sức.
Thấy con uống thuốc nhưng không khá hơn, nghe lời người quen ở quê, mẹ T. dẫn cô đến gặp “thầy” để trục “cái dong” theo phá phách. Tuy nhiên, điều này không mang lại kết quả tốt hơn.
Ảnh: minh họa |
Tết, anh họ là sinh viên khoa tâm lý ĐHSP TP.HCM ghé thăm nhà. Hai anh em trò chuyện. Cuối cùng, người anh họ kết luận: cô em bị chứng trầm cảm nặng bởi cảm thấy mình bất hạnh, không sung sướng như bạn bè.
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày mẹ cố gắng chắt chiu, sắm cho T. điện thoại di động. Chiếc điện thoại dù hơi "cùi bắp" nhưng đủ sức lên mạng đọc báo, lướt Facebook. Nó khiến cô lúc nào cũng muốn lướt “phây” để kết bạn và ngắm ảnh mọi người.
Không lên “phây”, Thanh T. bứt rứt khó chịu đến nỗi “muốn chết quách cho xong”. Cô thường buồn bã mỗi khi nhìn thấy ảnh bạn bè đi chơi, đầm ấm bên gia đình.
Với kinh nghiệm của một cử nhân tương lai ngành tâm lý học, người anh hiểu ngay vấn đề của cô em họ tuổi teen: trầm cảm vì ganh tị với hạnh phúc người khác.
Ba Thanh T. mất sớm, hai mẹ con sống với nhau không mấy dư dả. Căn nhà thiếu người đàn ông trụ cột, không anh chị em nên rất trống vắng, dễ làm cô buồn, suy nghĩ lung tung.
Qua sự tư vấn an ủi, phân tích về những điều hào nhoáng giả tạo, “chém gió” trên Facebook của các anh hùng bàn phím, Thanh T. dần hiểu ra vấn đề và vui vẻ trở lại.
Tệ hơn trầm cảm
Cách đây không lâu, mọi người bất ngờ trước cái chết của một nữ sinh ở Hà Nội. Nguyên nhân của sự việc đáng tiếc này là do cô bị bạn cùng lớp ghép ảnh nhạy cảm và tung lên Facebook. Sau nhiều lần van xin bạn cùng lớp tháo ảnh xuống nhưng vô vọng, cô đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Một nữ sinh Đà Nẵng khác cũng mua thuốc an thần về uống nhằm tự tử trước những lời đồn đại từ bạn bè trên “phây”.
Câu chuyện vẫn còn nóng hổi tại Mỹ. Những ngày qua, trước cái chết của bé gái 14 tuổi - Kierra’onna Rice - fan cuồng mạng xã hội, một cuộc chiến diễn ra trên Facebook.
Mối thù hằn bắt đầu từ vụ cãi cọ giữa một nhóm nữ sinh trên Facebook, sau đó biến thành hỗn chiến được lên kế hoạch tại công viên. Kết thúc câu chuyện là cái chết thương tâm của cô bé, khi bị hai nam thiếu niên rút súng bắn.
Theo nghiên cứu mới được thực hiện tại đại học Missouri, các biểu mẫu thông tin giới thiệu trên Facebook có thể gây ra cảm giác ghen tỵ và dẫn tới chứng trầm cảm.
Nói cách khác, bạn sẽ dễ dàng tức giận nếu như chỉ lướt web và "trố mắt" nhìn các cặp hạnh phúc bên nhau hay bạn bè đang trong những chuyến du lịch vui vẻ, còn mình chỉ nằm không ở nhà.
Trước thực tế này, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên trò chuyện với con mình về việc sử dụng internet và cảnh giác với nguy cơ "trầm cảm ganh tỵ trên Facebook".
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Các bạn trẻ cần biết cách chia sẻ hình ảnh, thông tin tham gia hoạt động xã hội, tình nguyện hướng về cộng đồng; những câu chuyện hoặc bài học cuộc sống mà bạn tâm đắc; công việc ý nghĩa; suy nghĩ, cảm nhận nhân văn về vấn đề xã hội; những nơi từng đến, trải nghiệm giúp ích cho sự hoàn thiện và phát triển bản thân.
Con người sinh ra không để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, trong trái tim của người khác thông qua việc giao tiếp, ứng xử và phương cách xây dựng hình ảnh, thương hiệu của chính mình.
Chính vì thế, các bạn trẻ cần suy nghĩ và lựa chọn thật kỹ cách xây dựng hình ảnh của mình trong mắt người thân yêu, bạn bè và của những người xung quanh".