Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả tại TP.HCM

Bên cạnh lực lượng bác sĩ quân đội, tình nguyện viên và cán bộ đoàn cũng nhập cuộc để tới từng hẻm nhỏ hỗ trợ theo dõi sức khỏe cho F0.

Ngày 3/9, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng tổ công tác đã đến kiểm tra và nắm bắt tình hình tại một số cơ sở y tế tuyến phường thuộc TP.HCM.

Ông Khoa lưu ý: "Các lực lượng từ trạm y tế lưu động, trạm y tế cố định có vai trò rất quan trọng, nhất là khi theo dõi số lượng F0 lớn tại nhà. Việc chăm sóc tốt F0 ở địa phương sẽ giảm tải cho tuyến trên".

Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền nên vận động đưa vào các cơ sở điều trị tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Nguyên nhân là các đối tượng này nếu chuyển nặng, diễn biến sẽ rất nhanh.

tram y te luu dong tai tp.hcm anh 1

Ông Khoa (phải) yêu cầu Trạm Y tế phường 2 (quận 5) phối hợp phát túi thuốc đầy đủ, kịp thời cho F0 tại nhà. Ảnh: Hà Văn Đạo.

Bên cạnh đó, lực lượng y tế tuyến phường phải sẵn sàng oxy, máy đo SpO2 và các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ F0.

Bác sĩ quân y Nguyễn Trọng Đức, phụ trách Trạm Y tế lưu động phường 2 (quận 5), cho biết ngoài 3 y bác sĩ, trạm còn 3 tình nguyện viên khác làm việc xuyên ngày đêm.

"Khi có cuộc gọi yêu cầu, chúng tôi sẽ nắm bắt tình hình và lên đường ngay. Hiện trạm quản lý, theo dõi hơn 70 F0 tại nhà. Các ca F0 đều có số điện thoại của thành viên trạm y tế lưu động", bác sĩ Đức nói.

Nhiều trạm y tế lưu động khác ở quận 5 cũng được bố trí đầy đủ oxy di động, các túi thuốc phân chia sẵn. Trong khi đó, phương tiện để đi thăm khám, chăm sóc cho F0 tại nhà cơ động và nhanh nhất được lựa chọn là xe máy.

Khi F0 có dấu hiệu diễn biến nặng, các nhân viên y tế sẽ đưa xe cấp cứu đến để vận chuyển họ lên cơ sở điều trị tập trung hoặc bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến trên...

"Tổ y tế, nhân viên y tế từ các trạm này cần sàng lọc thật tốt. Khi thấy dấu hiệu F0 tại nhà ho, khó thở, cần sẵn sàng cấp cứu ngay và có phương án chuyển lên tuyến cao hơn. Việc phối hợp chăm sóc ngay từ tuyến phường đóng vai trò rất quan trọng", ông Khoa nhấn mạnh.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các túi thuốc, túi an sinh cho F0 cũng cần phát đủ, kịp thời.

Lãnh đạo Trạm Y tế phường 2 (quận 5) cho hay việc phối hợ giữa lực lượng lưu động và cố định đến nay được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, với số lượng dân khoảng 15.000 người, lượng nhân viên này vẫn còn mỏng.

"Có người liên tục từ sáng đến đêm vừa tư vấn sức khỏe vừa tiếp nhận xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ người bệnh, kể cả các bệnh thông thường", vị lãnh đạo này nói.

14.894 người mắc Covid-19 trong ngày 3/9, TP.HCM có 8.499 ca

Ngoài TP.HCM, các tỉnh có ca mắc mới cao là Bình Dương (3.676), Đồng Nai (986), Long An (564). Hà Nội có 58 trường hợp.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm