Trần Lập: 'Cứ bắt bẻ lặt vặt thì không tiến bộ được'
Bị nhận xét là yếu thế trong tập đầu của "The Voice", nam ca sĩ - nhạc sĩ nhạc rock không nao núng. Đồng thời, anh khẳng định sẽ lôi cuốn người khác bằng sự thành thật và có một con đường riêng để kéo những người tài về đội.
>> Trần Lập: 'Chưa biết ai lép vế ở The Voice đâu'
>> Hà Hồ, Thu Minh lấn át Mr Đàm ngay đêm mở màn The Voice
Sức hút của Trần Lập đến từ đâu?
- Trong những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến cuộc thi "The Voice" (Giọng hát Việt). Là huấn luyện viên của chương trình, anh mừng vì điều này hay là thấy nó giống như một áp lực?
- Tôi mừng, bởi khi tôi được mời tham gia và xem chương trình hàng tuần trên kênh AXN, tôi không khỏi tự hỏi là khi tổ chức ở Việt Nam, nó có được sự thu hút mạnh mẽ hay không. Tôi thấy ban tổ chức (BTC) đã quả quyết sẽ làm được từ rất sớm và bây giờ bạn thấy đó, nó đã phát huy sự hấp dẫn đến vậy.
- Quyết định tham gia chương trình này, "chường mặt" ra cho người ta khen chê, bình luận, anh có phải suy nghĩ bao lâu mới nhận lời?
- Thời gian suy nghĩ không quá lâu. Khen chê là chuyện thường tình mà nghệ sĩ nào cũng phải đối diện trong suốt sự nghiệp. Giá trị của chương trình lớn hơn những vấn đề nhỏ như thế. Tham gia là tốt.
- Nhiều người đã lo lắng cho anh vì họ cho rằng, tên của anh có vẻ không được hot như những cái tên còn lại trong "bộ tứ quyền lực". Tuy nhiên cuối cùng, tôi được biết, anh đã có được một đội "ngon". Theo anh, giữa những áp lực như vậy, anh vẫn hấp dẫn được những thí sinh ở điểm nào?
- Tôi thành thật với chính mình và thí sinh vì khả năng thật của họ. Tôi không tô vẽ họ và cho họ thấy rằng con đường đi đến thành công không thể đơn giản là một chớp mắt. Họ không thể trông đợi vào một con đường dài mà ngay những bước đi đầu tiên họ chỉ biết nhìn vào độ hot của người khác.
Những thí sinh vào đội của tôi ý thức được cái khó từ đầu và họ vui vẻ với điều đó để tiến bộ. Nếu họ giỏi, thì họ sẽ hot bằng khả năng riêng. Có bạn còn chia sẻ rằng, gia đình giáo dục họ biết chấp nhận thử thách thực sự thì sau này mới tự có bản lĩnh. Họ nhìn vào sự nghiệp của tôi, những sự chia sẻ bằng cái tâm với âm nhạc của tôi và họ đi theo.
- Có lúc nào, anh ngộ ra mình có vẻ cũng ở thế yếu hơn so với các huấn luyện viên khác?
- Về điều gì?
- Anh có vẻ rất kỹ tính khi chọn thành viên cho đội mình. Ở tập đầu, người ta thấy anh chỉ chọn được một thí sinh hát rock. Tiêu chí nào khiến anh bấm máy và quay lại?
- Nếu đó là một thí sinh có giọng ca khỏe, biết xử lý một bài hát có những yếu tố nhấn quan trọng chưa chắc đã thuyết phục tôi. Tôi hầu như nhận ra lập tức bạn này hát có hồn, có lửa trong lối hát tự nhiên không cố tình. Và điều này nữa, cậu ta chỉ hát và tự chơi guitar acoustic trong cả một đoạn dài mà đã toát ra cái chất rock không trộn vào đâu được, trong khi phần lớn các giọng ca muốn hát ra chất nhạc phải phụ thuộc theo ban nhạc có chơi được ra kiểu hay không. Đây là cuộc thi về giọng ca, thì đó, giọng ca của cậu ta là xứng đáng.
- Bình thường anh là người dí dỏm, hoạt ngôn. Với "The Voice" tập đầu, anh chưa thể hiện hết mình. Đó là câu chuyện của người biên tập chương trình. Anh cũng hứa hẹn phía sau thú vị. Anh có nghĩ, việc biên tập đó cũng là thiệt thòi cho anh?
- Tôi nghĩ mình chỉ bị thiệt một chút cũng không sao, vì các bạn mới xem tập đầu tiên thôi. Tôi đã chia sẻ với mọi người rằng tôi rút kinh nghiệm từ các cuộc thi nhỏ hơn tôi đã từng làm giám khảo.
Trong vòng thi Giấu mặt, các thí sinh vừa trút xong một gánh nặng tâm lý để hoàn thành bài thi, điều họ muốn nghe nhất là sự động viên của các huấn luyện viên (HLV). Sự vui vẻ sẽ giúp họ xóa đi tâm lý âu lo. Và tôi cho họ điều họ cần nhất là mặt đất. Tôi luôn muốn họ ghi nhớ khi họ cần nhìn vào bản chất thật nhất về khả năng ca hát của họ.
- Sau khi chương trình phát sóng số đầu tiên, anh có xem dư luận nói gì về mình trên mạng xã hội không?
- Có chứ, hai mặt sấp ngửa của một bàn tay, khen chê rất sôi động. Tôi để chế độ "public" trên trang xã hội nên ai không phải là bạn tôi cũng có thể bày tỏ ý kiến mà không cần nịnh hay khen ngợi thiếu thành thật. Tôi vui vì khán giả cũng rất chất và ủng hộ nhiệt tình.
- Anh có hay nóng tính hay xù lông nhím lên với những lời chê?
- Thực ra tôi là người biết tiếp nhận các bài học và có tư duy thoáng. Tôi vẫn từng ngồi hàng giờ trực tiếp nghe người giỏi mắng nhiếc và tôi từng cười mỉm và bỏ ngoài tai khi nghe những người sồn sồn đánh giá không ra gì. Chẳng có ai quen biết tôi lại không nói tôi là người có cá tính quá mạnh, nhưng tôi vẫn kiểm soát được mình ở mức độ chấp nhận được. Xưa nay, điều tôi luôn được tôn trọng chính là sự điềm tĩnh và đúng mực. Tôi không có ý định sẽ khác đi đâu.
- Anh đánh giá thế nào về những huấn luyện viên khác?
- Họ thông minh và có sự tập trung cao vào công việc này. Họ cũng đang sở hữu được những giọng ca hay trong đội hình của mình bằng ma lực hấp dẫn riêng của mình. Có điều, tôi khác họ.
- Theo dõi chương trình, người ta cũng kỳ vọng anh sẽ là người lựa chọn và đẩy nhạc underground lên. Còn anh, ý định của anh là gì? Liệu có một Bức Tường thứ hai sau chương trình?
- Bạn thấy đó, khán giả quả là tinh. Một môi trường âm nhạc hiện đại ở Việt Nam có nhiều thứ yếu kém và tụt hậu nhưng không phải là không có các tài năng. Có điều, các tài năng lại khái tính và không chịu lộ diện, sống bon chen cùng thứ không cùng tư duy văn minh của họ. Đó là thiệt thòi của thế hệ mới của nghệ thuật hiện đại. Qua chương trình The Voice, tài năng "ở đâu đó mọc ra" hay như "trên trời rơi xuống" mà bạn sẽ phải thảng thốt hỏi bấy lâu nay họ ở đâu?
Họ từng chấp nhận chơi nghiệp dư cho thỏa đam mê còn hơn bon chen ngột ngạt trong những lớp lang láng coóng mà ít tài. Họ đang ý thức là qua đây họ sẽ được công nhận hơn và tôi cũng muốn giúp họ phát huy hơn. Muốn môi trường âm nhạc Việt Nam thay đổi, ta phải xắn tay với họ để thay đổi thôi.
"Cứ bắt bẻ những thứ lặt vặt thì không tiến bộ được"
- Trên các diễn đàn, bên cạnh việc khen ngợi "The Voice", nhiều người lại quay ra chê bai "Sao Mai điểm hẹn", một chương trình đang diễn ra song song. Anh nhìn hiện tượng này thế nào?
- Chúng ta không thể nào cưỡng lại cái hay và quyền được chọn cái hay của công chúng.
- Chương trình mang tên "Giọng hát Việt", nhưng nhiều người xem phản ánh thí sinh phần lớn chọn bài hát tiếng Anh, không chọn ca khúc tiếng Việt. Theo anh, câu chuyện này nên giải quyết thế nào? Anh ủng hộ thí sinh hát tiếng Anh?
- Giọng và tiếng là hai khía cạnh khác nhau. Giọng hát Việt là chương trình tìm kiếm giọng ca, cất lên tiếng hát bằng ngôn ngữ nào không phải là vấn đề của format. Trong khuôn khổ của The Voice, các thí sinh được thể hiện đa dạng ngôn ngữ làm sao để toát lên hết sức mạnh của giọng ca. Không phải lúc nào họ cũng chỉ chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ khoe giọng chính, tiếng Việt cũng có. Tôi thấy nên có cái nhìn thoáng. Cứ bắt bẻ lặt vặt sẽ không tiến bộ hơn được.
- So với mặt bằng chung hiện tại, theo anh, "Giọng hát Việt" hội tụ những yếu tố nào để có thể làm nên một chương trình thành công?
- Tôi nghĩ đó là tiềm lực tài chính, format hay và khác biệt. Tiếp theo là sự tập trung, đội ngũ sản xuất chương trình hùng hậu, sức sống mạnh mẽ của những bài hát văn minh, ban nhạc giỏi hội tụ, những HLV đặc biệt, sự đột phá của những giọng ca Việt Nam. Cuối cùng là sự lựa chọn hợp thời đại của khán giả.
VTC News