Từng là nam diễn viên ghi dấu ấn đẹp trong lòng khán giả truyền hình với vai diễn trong các phim Mẹ chồng tôi, Giải hạn, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong, Trần Lực tiếp tục gặt hái được thành công với vai trò đạo diễn khi thực hiện các phim Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Cocktail cho tình yêu… Thời gian này, cái tên Trần Lực hiếm khi xuất hiện trên truyền hình. Song mới đây, ông bố 6X bất ngờ tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ khi tham gia chương trình truyền hình thực tế, Bố ơi, mình đi đấu thế? cùng với cậu con trai thứ 3 – bé Bờm (6 tuổi).
- Sau nhiều năm vắng bóng trên màn ảnh để tập trung cho công việc tại hãng phim tư nhân, lý do gì khiến anh quyết định tham gia một chương trình truyền hình thực tế cùng với con trai?
- Vì con trai nên tôi quyết định tham gia chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế?. Ngày xưa tôi đi đóng phim mấy tháng trời, mỗi lần về nhà, thấy con trai đầu lòng lớn ngộc lên, nhìn con mà ứa nước mắt vì khoảng thời gian nó trưởng thành, mình không được chứng kiến. Chính vì cậu cả bị thiệt thòi như thế nên với những đứa bé sau này, tôi luôn muốn dành thời gian cho con. Thật ra tôi rất, rất bận. Khi bắt đầu tham gia chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế?, bộ phim Đại ca U70 của hãng phim đang ở trong khâu hậu kỳ - một giai đoạn cực kỳ quan trọng. Đáng lẽ, tôi - với tư cách là người đứng đầu hãng phim - phải ngồi cùng với đội dựng, âm thanh, hoà âm để kiểm soát sản phẩm của hãng phim thật tốt trước khi ra mắt công chúng. Nhưng vì con, tôi lại phải làm việc với ông đạo diễn và đành phải để mọi người ở nhà làm. Mọi thứ cũng khó khăn hơn khi tham gia chương trình không được mang theo điện thoại. Thế nhưng, tôi phải đi để con được trải nghiệm và tiếp xúc với bên ngoài.
- Anh hơn con trai tới gần 50 tuổi và trong buổi họp báo ra mắt chương trình, MC Phan Anh lại tiết lộ, anh bộc lộ điểm yếu là tuổi già. Khoảng cách tuổi tác ảnh hưởng như thế nào tới hai bố con khi tham gia các trò chơi của chương trình?
- Không phải chỉ trong chương trình này, trong cuộc sống hàng ngày cũng thế, tôi luôn muốn tạo một không khí vui vẻ trong gia đình bằng cách chơi với các con. Đôi khi phải đặt mình vào vị trí của chúng và nguyên tắc muốn chơi được với trẻ con là mình phải trẻ ra cho nên với tôi khoảng cách tuổi tác không có gì cản trở. Những ông bố nhiều tuổi thường được trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên chuyện chăm con không phải là sự vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những việc người bố không thể làm thay các bà mẹ. Trong chương trình toàn các ông bố nên mọi người sẽ thấy ông nào cũng vụng về hết. Quan trọng là cứ yêu thương các con thì chẳng cứ gì phải là tuổi tác… Còn Phan Anh chỉ nói đùa thế thôi. Các trò chơi trong chương trình đâu tới mức mình không làm được. Tôi hơn mấy ông bố khác là trước đây, tôi đi đóng phim nhiều, cũng phải ở nhà dân, lại toàn đóng bộ đội, ở rừng rú với người dân tộc, khổ lắm. Chính những đội còn lại mới bị sốc.
Trần Lực và con trai thứ ba tham gia chương trình truyền hình thực tế Bố ơi, mình đi đâu thế?. |
- Nhiều gia đình, đặc biệt là những người nổi tiếng, không muốn đưa con lên sóng truyền hình. Bản thân anh suy nghĩ như thế nào khi quyết định cho con tham gia chương trình thực tế?
- Trước hết, tôi là một ông bố. Tôi không phải là Trần Lực, không phải là gì cả đối với con tôi. Chúng nó mới là sếp của tôi. Tôi ở trong vai trò một ông bố đưa con đi trải nghiệm nên không suy nghĩ gì. Nhiều người kỹ càng nên muốn giấu hình ảnh của con đi, với tôi thì không. Đây là một trải nghiệm mà con tôi cần trải qua. Và điều đó có hiệu quả thực sự. Lúc trước, Bờm học mẫu giáo, ở nhà sống trong nhung lụa, sự bao bọc của người thân, giờ tham gia chương trình, mọi người xem sẽ thấy, cháu ngã lăn ngã lóc cũng phải tự đứng dậy, khóc cũng không ai dỗ lại tự nín. Giờ thì cậu Bờm tự tin hơn khi bước vào lớp một.
- Nghe việc anh bỏ công, bỏ việc để đưa con đi tham gia chường trình, có vẻ như anh rất mực chiều các con?
- Tôi nghĩ ông bố nào cũng chiều con nhưng mỗi người có một cách riêng. Đối với tôi, con cái là tất cả, là cuộc sống của tôi rồi nên chuyện chiều và yêu con là tất nhiên. Tuy nhiên, vợ tôi có thể ép con ăn nhưng tôi thì không, mặc kệ, đói quá sẽ tự tìm đồ ăn. Tôi có “tổng động viên” là 4 đứa. Cậu cả hiện đã hai mấy tuổi, còn cô thứ hai tên là Bông (7 tuổi), đến cậu Bờm (6 tuổi, cuối cùng là cậu út Bách (3 tuổi). Nhà tôi lúc nào cũng như cái nhà trẻ. Đông con rất vui nhưng cũng rất mệt. Tôi có những vụ lời ru chia ba, tay bế cậu út, chân đẩy nôi cho cậu hai với cô ba rồi à ơi ru con… Những buổi như thế rất nhiều bởi làm sao một mình mẹ chúng nó trông được, kể cả có người đến hỗ trợ cũng vậy thôi. Trẻ con chúng khôn lắm, bố mẹ là trên hết. Như lũ trẻ nhà tôi, chúng nhất định không chịu để bác giúp việc ru ngủ, cứ phải là bố cơ.
- Ba cháu nhỏ nhà anh tuổi sát nhau, sẽ không tránh được những lúc chành chọe, đánh nhau. Khi đó, ông bố Trần Lực sẽ “xử án” thế nào?
- Một ngày, tôi cũng không có nhiều thời gian dành cho con. Buổi sáng đánh thức các con dạy, cho chúng đánh răng, rửa mặt rồi đưa cô Bông và cậu Bờm ra bến xe, bắt xe đi học. Sau đó, quay về nhà, đưa cậu út tới nhà trẻ. Buổi chiều, khoảng 5h là 3 đứa về nhà. Mệt nhất là khoảng thời gian từ chiều đến tối. Bọn trẻ nhà tôi sống tình cảm lắm, về gặp nhau cái là đùa, nhiều khi đùa quá là thành đánh nhau. Khi đó, với mỗi đứa con, lại phải có cách xử trí riêng. Như với con gái, phải nhẹ nhàng, tinh tế. Còn với cậu Bờm, có tính cách hồn nhiên, tồ tồ, tôi phải nghĩ cách khác để gần gũi với con. Cậu con cả cũng giúp bố mẹ quan tâm tới các em, nhưng theo kiểu khác. Bốn anh em chúng nó ngồi với nhau là xoắn lấy nhau, tôn ông anh cả như sư phụ, ngưỡng mộ lắm.
- Anh có chia sẻ, con trai cả thiệt thòi hơn khi trong khoảng thời gian trưởng thành, bố thường xuyên phải đi đóng phim xa nhà. Sau này, anh sửa sai bằng cách dành nhiều thời gian bên các cháu bé hơn. Vậy còn cậu lớn?
- Cậu cả bây giờ là đồng nghiệp của tôi, cũng là đạo diễn và đang làm việc tại hãng phim Đông A. Hai bố con tôi như bạn bè, cà phê cà pháo, uống bia với nhau suốt rồi tâm sự những câu chuyện trong cuộc sống, gia đình, chuyện yêu đương. Chính vì ngày xưa không dành được nhiều thời gian cho con nên bây giờ, cứ có thời gian tôi sẽ rủ con đi theo, đi uống bia hơi cũng cho con đi ngồi cùng để hai bố con gần gũi nhau hơn.
- Cậu cả đã nối nghiệp bố. Với ba con nhỏ, anh định hướng các cháu như thế nào?
- Tôi không hướng điều gì cả, để cho các cháu tự nhiên. Không phải cứ con nhà văn nghệ sĩ là đi làm nghệ thuật đâu. Còn những thứ cần thiết cho con sau này như học đàn, nhạc, tôi vẫn cho cháu đi. Với lời mời đóng phim, tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, là một trải nghiệm để sau này cháu biết, đóng phim là như thế nào. Tôi vẫn ở vai trò một ông bố và mong muốn nhất là các con mình tốt lên thôi.
Đạo diễn phim Chuyện nhà Mộc và cậu con trai thứ ba - kém anh gần 50 tuổi. |
- Tay bế tay bồng con như thế, anh lấy đâu thời gian để làm kinh tế nuôi "đoàn tàu"?
- Chuyện đó là chuyện bình thường, mình sống cả đời, làm cả đời. Với tôi, làm việc để làm gì? Chính là để nuôi các con mình. Con là trên hết, không gì có thể đánh đổi với con mình cả. Thật ra công việc của tôi bây giờ khác ngày xưa. Trước mình là nghệ sĩ, ai mời đóng phim, thấy vai hay thì đóng hoặc làm đạo diễn. Nhưng từ ngày có hãng phim tư nhân, thời gian dành vào đó rất nhiều, lại thêm một lũ lít nhít thế này nên khó mà theo đoàn được. Có thể mình vẫn sắp xếp đi được nhưng đi rồi rất nhớ con.
- Thời gian tới, anh có những dự định gì cho phim ảnh?
- Về phim truyền hình sắp tới, tôi mới hoàn thành kịch bản 30 tập chuyển thể từ tiểu thuyết Gánh hàng hoa của ông Khái Hưng. Phía nhà đài hiện đã duyệt. Kịch bản do đạo diễn Hà Sơn viết. Bên cạnh đó, cũng có những dự án phim màn ảnh rộng. Tuy nhiên, chúng tôi mới bắt đầu nên không muốn nói trước bước không qua. Một năm vừa sản xuất phim vừa chuẩn bị các dự án tiếp theo.
- Anh vừa chia sẻ, ngày xưa đi làm phim khổ, phải ở rừng rú, ở nhờ nhà người dân… Nhưng giờ, đời sống làm phim đã thay đổi rất nhiều. Từng là diễn viên, rồi đạo diễn và giờ với tư cách nhà sản xuất phim, anh đánh giá thế nào về sự “chuyển mình” đó?
- Thật ra sự thay đổi này chưa hẳn tích cực. Những người làm nghệ thuật để cho ra một tác phẩm nghệ thuật, phải tập trung, toàn tâm toàn trí vào làm, có thế họ mới sáng tạo được. Ngày xưa chúng tôi làm khổ sở mà vẫn làm được vì chúng tôi làm với một tâm thế kỳ lạ lắm. Hồi đó yêu nghề, khổ mấy cũng chịu được, tiền ít cũng xong. Nhưng giờ cuộc sống thay đổi, phát triển, không thể như ngày xưa được. Dẫu vậy, điều kiện để làm phim hiện vẫn còn kém.
- Điều kiện làm phim còn kém song vẫn có những phim được đầu tư tới hàng chục tỷ không bán được một tấm vé và được phát miễn phí. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi nghĩ chuyện được vé hay không là rất bình thường. Những kiểu phim như thế chán lắm rồi, cứ làm cũng chẳng bán được vé đâu. Tôi nghĩ phải thôi làm dòng phim tuyên truyền đó đi, tuyên truyền cũng phải có nghệ thuật. Phải giỏi lắm mới có thể làm những bộ phim tuyên truyền vì khán giả bây giờ khác rồi. Ngày xưa hô khẩu hiệu được, bây giờ cũng vẫn là hô hào cũng chẳng có ai xem. Với tôi, ngay cả làm phim nghệ thuật, cũng phải làm thế nào để thu được vé hoặc bán được.