Thổi nhạc Việt chắc khó ai qua được Trần Mạnh Tuấn. Cũng có người cho rằng anh chiều lòng khán giả bằng những ca khúc quen thuộc, từ nhạc Trịnh, dân ca tới những bài khó thổi như Lời Bác dặn trước lúc đi xa… Anh khẳng định: “Mình thấy nhiều tác phẩm Việt Nam thực sự hay chứ không phải mình thỏa hiệp- chơi các tác phẩm Việt Nam cho dễ lọt tai công chúng”. Anh còn là một trong vài nghệ sĩ Việt Nam tiên phong đưa sản phẩm lên bán tại các trang như Amazon, CD Baby… từ đầu những năm 1990.
Nên có nhiều liên hoan âm nhạc
Theo Trần Mạnh Tuấn: “Thái Lan tổ chức AsiaOne mời tất cả các nước châu Á đến. Ý nghĩa vô cùng, không chỉ về âm nhạc. Nghệ sĩ không làm chính trị nhưng những hoạt động nghệ thuật như thế gắn kết các nước châu Á lại. Một tỉnh như Chiang Mai mà một năm có 5 festival quốc tế, Phukhet cũng 6-7 cái. Tổng cộng Thái Lan có mấy chục cái. Trong khi TPHCM lớn như vậy không có nổi một liên hoan âm nhạc, lúc nào cũng phải chờ châu Âu. Phải hiểu liên hoan này do châu Âu tổ chức ở đây thôi chứ không liên quan gì đến Việt Nam”.
Anh khẳng định mình có thể đóng góp ý tưởng, đứng ra mời nghệ sĩ nhưng việc tổ chức cần sự hỗ trợ của cơ quan ban ngành. Trần Mạnh Tuấn là người sáng lập và cũng là nhà đầu tư cho dàn nhạc big-band tại Sài Gòn từ nhiều năm nay. Dàn nhạc này từng vài lần chơi ở các địa điểm công cộng theo lời mời của các doanh nghiệp. Trần Mạnh Tuấn muốn hơn thế: “Tôi sẵn sàng đưa big-band ra diễn tuần hay tháng một buổi ở đường đi bộ Nguyễn Huệ- là chỗ tuyệt vời thu hút khách du lịch. Chiều Chủ nhật chẳng hạn, cực kỳ đẹp”. Để điều này thành hiện thực, anh vẫn muốn chờ một lời mời hơn là đi xin.
Trần Mạnh Tuấn định cư TP HCM sắp được 15 năm. Anh gọi nơi này đơn giản là “thành phố”: “Tôi đi hơn 50 nước, không quan trọng lắm mình sống ở đâu. Nhưng đúng là khi mình chuyển vào thành phố, dường như mọi thứ thuận lợi hơn, công việc mở ra hơn”. Anh vẫn duy trì CLB nhạc jazz, mở phòng thu vào loại tối tân để làm nghệ thuật chứ không dịch vụ và tương lai sẽ mở một trung tâm đào tạo âm nhạc. Tuy nhiên đĩa của anh vẫn phải gửi sang Mỹ để làm hậu kỳ. Anh lý giải: “Vì mình muốn âm nhạc mình không còn top trong Việt Nam mà toàn thế giới. Mình không an phận với điều khán giả Việt Nam cần. Khán giả Việt đôi lúc ưng mỗi bài đấy hát nghêu ngao bèn cho cái đĩa là hay. Trong khi một tác phẩm tốt phải đảm bảo nhiều yếu tố, bao gồm hòa âm, âm thanh...”.
Từ cải lương tới nhạc jazz
Theo Trần Mạnh Tuấn, bây giờ là thời điểm rất thuận lợi cho nghệ sĩ muốn mở mang bờ cõi âm nhạc: “Bạn trẻ giờ có điều kiện du học, nhưng để định hướng một con đường riêng các bạn cần thời gian để thấu hiểu. Âm nhạc chỉ là phương tiện. Ra quốc tế, các bạn sẽ thấy bản sắc quan trọng. Chỉ nói bằng ngôn ngữ của chúng ta thì mới không bị so sánh”.
Trần Mạnh Tuấn hòa nhạc cùng sư thầy chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: NVCC |
Không dễ cho các nghệ sĩ Việt chơi saxophone thế hệ sau Trần Mạnh Tuấn. Khi những bài như Bèo dạt mây trôi, Hạ trắng, Về quê… anh đều mang ra thổi cả rồi. Năm ngoái, anh trở thành nghệ sĩ saxophone đầu tiên soạn tác phẩm và trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Trần Mạnh Tuấn tự cảm thấy may mắn khi được lớn lên trong cái nôi nhạc dân tộc, cụ thể là cải lương. Sáu tuổi đã học kèn nhưng là kèn bóp, rồi kìm, ghi ta phím lõm. Tám tuổi phát hiện ra saxophone...
Có cô con gái rượu tên An, anh cho học piano từ năm lên 5. Năm 12 tuổi, An Trần đàng hoàng đứng tên cùng bố và nhiều nghệ sĩ quốc tế trong đĩa jazz Thằng Cuội vừa phát hành hồi tháng 3. Mẹ An nhận xét về cô bé- vốn là thành quả của việc… vỡ kế hoạch- bằng những từ như “cá tính”, “tăng động”, “bản copy của bố”… Thoạt đầu Trần Mạnh Tuấn không nghĩ con gái hợp với saxophone nhưng giờ thì anh tha hồ tự hào vì có truyền nhân ngay trong nhà. Còn cậu cả năm nay 20 tuổi lại chỉ ham các công việc phòng thu.
“Bệnh nhân” của vợ
Về sức khỏe, Trần Mạnh Tuấn đơn giản: “Vẫn thế, cứ on rồi lại off, giờ OK rồi. Đôi lúc ảnh hưởng tí xong lại hết. Vì say mê âm nhạc, nó cũng quên...”. Các bác sĩ phát hiện bệnh khi Trần Mạnh Tuấn mới ngoài 30. Nếu nói về bệnh của anh, chắc không ai kỹ bằng chị: “Giờ nhiều người bị thận lắm. Một nguyên nhân bác sĩ luôn nhắc nhở khi viêm họng uống kháng sinh phải chữa dứt điểm nếu tưởng khỏi, bỏ đơn thuốc giữa chừng, đúng lúc sức đề kháng yếu nó chạy vào thận thành viêm cầu thận. Mà không ai biết vì không đau đớn gì, cứ thế sống với nó cho đến ngày viêm thận mãn. Nguyên nhân nữa những người hồi bé bị chủng đậu, sởi, chữa không tới nơi chốn hầu hết chạy vào thận. Còn quan niệm suy thận do chơi bời- không có”.
Chị lúc nào cũng coi anh là bệnh nhân nên thường theo anh lưu diễn khắp nơi. “Không khác người bị HIV đâu”, chị thẳng thắn. “Anh bị suy giảm miễn dịch dạng thấp do uống thuốc chống thải là thuốc độc bảng A. Anh hỏng cả 2 quả thận. Ghép 1 quả. Thành ra lúc nào cũng rất mong manh, dễ bị cảm cúm, ho”. Từ những gì chị nói có thể suy ra tình trạng của anh khá là bi kịch. Nhưng khi thấy anh hay đeo tràng hạt, tôi hỏi đêm về anh có hay lần tràng (tụng kinh). Trả lời: “Đêm chỉ có lần… vợ(!)”.
“Mình có nhiều cơ hội làm việc với các nhà sư”, Tuấn cho hay. Anh từng nhờ các sư thầy hát nhạc của mình trong đĩa. Anh kể thầy Thích Lệ Trang từng dựng cả đàn lễ cho anh thu thanh. Đội kèn của các thầy chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã vào đĩa Trần Mạnh Tuấn. Tất nhiên anh không bao giờ từ chối diễn cho nhà chùa vào các dịp lễ lớn như Vu Lan. Biết anh phải mổ, chùa Vĩnh Nghiêm và cả một số chùa Việt Nam ở nước ngoài tự động lập đàn cúng cho thí chủ Tuấn tai qua nạn khỏi. “Sống sót vẫn nghĩ đấy là phần may mắn nhờ trời Phật”, anh nói. Kết luận của vợ anh: “Qua nhiều nỗi đau, người ta tự hướng về tâm linh như vậy”.