Trong điều kiện “cạnh tranh” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, điều quan trọng không phải ở chỗ chế độ đãi ngộ mà là ở điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn.
Nước chảy chỗ trũng
Năm 2003, TS Nguyễn Duy Thái Sơn trở về nước sau 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm Quốc tế về vật lý lý thuyết thuộc Cộng hòa Ý, ĐH Ohio (Hoa Kỳ), ĐH Kyoto Sangyo (Nhật Bản), ĐH Vienna (Cộng hòa Áo).
Dù đang công tác ở Viện Toán học, quê ở Bình Định, TS Nguyễn Duy Thái Sơn vẫn đầu quân về Đà Nẵng và chọn trường THPT Lê Quý Đôn làm nơi công tác. Chọn một trường phổ thông để giảng dạy được TS Thái Sơn và lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ cân nhắc sau một buổi trò chuyện để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để tìm chỗ thích hợp cho TS cống hiến.
Nói về quyết định chọn công tác ở Đà Nẵng, TS Nguyễn Duy Thái Sơn cho biết: “Rất nhiều người ngạc nhiên về sự lựa chọn của tôi. Nhưng sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tinh thần ham học hỏi của học trò đã giữ chân tôi ở lại. Dạy các em, tôi thấy mình làm được những điều có ích”.
Trong thời gian 7 năm giảng dạy tại trường THPT Lê Quý Đôn, ông đã mang về cho Đà Nẵng 2 huy chương bạc và 2 huy chương đồng Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò.
Vợ chồng GS Junichi Mori (thứ 3-4 từ phải qua) trong lễ tiếp nhận học bổng GS.TS Yoshiaki Takahashi tại ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. |
Theo hợp đồng giữa TS Nguyễn Duy Thái Sơn với Sở Nội vụ Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, TS Sơn có thể đi sau 5 năm công tác nhưng rồi Đà Nẵng với những chính sách đãi ngộ cùng với tình cảm của người Đà Nẵng đã giữ chân ông lâu hơn thế.
Sau 7 năm giảng dạy ở môi trường giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chuyển về giảng dạy tại khoa Toán, ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).
Ở môi trường giáo dục ĐH, ông có các điều kiện để nghiên cứu phương pháp học toán gắn với giáo dục, tham gia giảng dạy môn Toán bằng tiếng Anh trong chương trình tiên tiến, nghiên cứu với tư cách phản biện trong các khóa luận tốt nghiệp.
Vừa nghỉ Phó Giám đốc ĐHQG Kyoto - một trong hai trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản, thay vì nhận lời mời giảng dạy tại một số trường ĐH tại Nhật Bản với mức thù lao rất cao, GS Junichi Mori đã nhận lời mời của ĐH Đà Nẵng sang giảng dạy tình nguyện tại ĐH Kinh tế trong thời gian hai năm và chỉ nhận mức thù lao tượng trưng.
GS.TS Trần Văn Nam - GĐ ĐH Đà Nẵng - cho biết: “ĐH Đà Nẵng đã kết nối và mời được nhiều GS nước ngoài về giảng dạy tình nguyện, như cố GS.TS Yoshiaki Takahashi (ĐH Chuo, Nhật Bản) cũng đã có một thời gian dài gắn bó với ĐH Kinh tế sau thời gian nghỉ hưu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ GV được xem là một trong những giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
ĐH Đà Nẵng cố gắng tạo điều kiện tối đa để các cán bộ phát huy năng lực của họ như tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, tham gia các chương trình NCKH, các đề án và tham gia quản lý nếu đáp ứng các yêu cầu.
Các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu đa dạng đã góp phần thu hút và giữ chân cán bộ, duy trì được sự đam mê NCKH và yên tâm công tác tại ĐH Đà Nẵng”.
Nhóm chút than hồng thành ngọn lửa
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - phấn khởi: “Hiện trong tay tôi có 12 học sinh giỏi chọn theo ngành Sư phạm. Hồ sơ của các em tôi lưu đầy đủ với một lời hứa cứ học thật giỏi thì sau khi tốt nghiệp ra trường, ngành GD&ĐT Quảng Nam sẽ nhận.
Có em đỗ vào ĐH Bách khoa rồi, nhưng vẫn chọn cho mình theo con đường sư phạm khi nghe Quảng Nam có chính sách thu hút nhân tài cho ngành GD”.
Ông Quốc cũng “đặt hàng” cho giáo viên kết nối và theo dõi, động viên những HS giỏi có nguyện vọng theo nghề giáo. Danh sách đó được ông Quốc lưu lại rồi đăng ký làm việc với ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - để xin cơ chế đặc cách, đưa những em này về giảng dạy tại tỉnh, “nếu để sổng các em thì tôi tiếc lắm”.
Từ những nỗ lực và sự thuyết phục của ông Hà Thanh Quốc, chính sách thu hút nhân tài ngành Sư phạm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam thông qua và ban hành thành nghị quyết.
Theo đó, “sinh viên nguyên là HS các trường THPT chuyên tham gia thi HS giỏi đạt giải Ba cấp tỉnh trở lên, đăng ký theo học ngành Sư phạm và tốt nghiệp loại giỏi được ưu tiên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế vào các trường THPT chuyên và các trường THPT công lập, khi đủ điều kiện được xét tuyển đặc cách theo quy định hiện hành.
Giáo viên từ các huyện, thị xã thành phố trong và ngoài tỉnh đã tham gia và trúng tuyển trong kỳ thi tuyển chọn và được Sở GD&ĐT quyết định điều động về các trường THPT chuyên được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở trong 3 năm, kể từ khi được phân công dạy môn chuyên”.