Vụ tai nạn giao thông xảy ra rạng sáng 1/5, nam tài xế sau khi uống rượu đã lái chiếc Mercedes GLA 250 gây tai nạn khiến 2 phụ nữ tử vong ở hầm Kim Liên, Hà Nội. Trước đó vào ngày 9/4, chiếc Mercedes GLA do một phụ nữ điều khiển bất ngờ tông vào hàng loạt người đi xe máy rồi lật nhào qua hàng rào tại ngã tư Phạm Hùng - Xuân Thủy, Hà Nội.
Những vụ tai nạn xảy ra gần đây liên quan đến mẫu Mercedes-Benz GLA làm dấy lên những hoài nghi về công nghệ an toàn trên mẫu xe tiền tỷ liệu có hoạt động tốt. Thực tế, khái niệm "xe điên" có chính xác không khi nguyên nhân của những vụ tai nạn dường như đều xuất phát từ người lái?
Hệ thống an toàn trên Mercedes-Benz GLA có gì?
Ra mắt vào năm 2013, Mercedes-Benz GLA chính thức cập bến thị trường Việt Nam từ cuối năm 2014 với các phiên bản GLA 200, GLA 250 4Matic và GLA 45 AMG. Thế hệ mới của mẫu xe này ra mắt vào năm 2017, giá bán hiện tại của các phiên bản lần lượt là 1,529, 1,869 và 1,949 tỷ đồng.
Thế hệ mới của Mercedes-Benz GLA ra mắt từ năm 2017 không còn trang bị hệ thống phòng ngừa va chạm CPA Plus. Ảnh: Minh Anh. |
Mercedes-Benz GLA sở hữu nhiều công nghệ an toàn tiêu chuẩn như chức năng cảnh báo mất tập trung, hệ thống phòng tránh mất lái khi vào cua ở tốc độ cao, hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BAS, chống trượt khi tăng tốc ASR, ổn định thân xe điện tử ESP, kiểm soát hành trình...
Tuy nhiên, trên tất cả các phiên bản của Mercedes-Benz GLA đều không có hệ thống phanh khẩn cấp tự động. Tính năng này cũng không xuất hiện trên nhiều mẫu xe Mercedes-Benz tại Việt Nam kể từ năm 2016. Dù ở các thị trường khác, đây là trang bị tiêu chuẩn trên tất cả dòng xe Mercedes từ năm 2015.
Hệ thống phòng ngừa va chạm trên xe Mercedes hoạt động thế nào?
Công nghệ phòng ngừa va chạm trên các mẫu xe Mercedes được gọi là Collision Prevention Assist Plus (CPA Plus). Hệ thống này giúp hạn chế tối đa nguy cơ va chạm và các tác động đến hành khách bên trong xe, thông qua tính năng cảnh báo khoảng cách an toàn và hỗ trợ phanh khi cần thiết. CPA Plus đánh giá tình trạng giao thông phía trước thông qua dữ liệu thu thập từ hệ thống radar.
Hệ thống CPA Plus giúp cảnh báo khoảng cách an toàn và hỗ trợ phanh khi cần thiết. Ảnh: MBV. |
Công nghệ phòng ngừa va chạm thường xuyên kiểm tra khoảng cách với xe phía trước và phát ra cảnh báo cho người lái bằng tín hiệu âm thanh lẫn hình ảnh nếu nhận thấy sắp va chạm với vật cản. Nếu tài xế không có phản ứng sau cảnh báo, hệ thống sẽ tự phanh xe lại một phần để giảm thiểu nguy cơ va chạm (phanh khẩn cấp tự động).
Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BAC sẽ được kích hoạt khi người lái phanh đột ngột. Điều này giúp phương tiện đạt lực phanh mạnh nhất và khoảng cách phanh ngắn nhất.
Để kiểm tra khoảng cách với xe phía trước, hệ thống CPA Plus sử dụng một cảm biến radar ở cản trước, có góc quét khoảng 30 độ và tầm quét lên tới 80 mét. Hệ thống sẽ cảnh báo khi xe chạy ở vận tốc 7-250 km/h (xe phía trước di chuyển) và ở vận tốc 7-70 km/h nếu vật cản phía trước đứng yên.
Những hạn chế của hệ thống phanh khẩn cấp tự động
Với mật độ đường xá động đúc và dày đặc xe máy như ở Việt Nam, hệ thống phòng ngừa va chạm khó lòng hoạt động tối ưu. Máy tính không thể tính toán một số tình huống bất ngờ và có những hạn chế nhất định.
Tính năng cảnh báo khoảng cách sẽ không thể hoạt động đối với người hoặc thú vật băng ngang đường, xe đi ngược chiều, xe băng ngang ngã tư, khi vào cua gấp. Ngoài ra, việc phát hiện chướng ngại vật phía trước không hoạt động tối đối với xe máy hoặc các phương tiện nhỏ khác.
Vụ tai nạn liên quan đến mẫu Mercedes-Benz GLA xảy ra hôm 4/9 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh. |
Một số mẫu xe Mercedes-Benz tại Việt Nam được trang bị hệ thống CPA Plus bao gồm A-Class, CLA, SLC, SL, GLC, GLE, GLS. Trong khi đó, kể từ thời điểm mẫu E-Class thế hệ mới ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2016, các mẫu xe về sau của Mercedes không còn được trang bị hệ thống an toàn này, bao gồm C-Class, E-Class, S-Class và cả mẫu G-Class mới xuất hiện cũng vậy.
Tuy nhiên, những trang bị an toàn hiện tại trên Mercedes-Benz GLA vẫn có thể hạn chế được những va chạm. Ví dụ như hệ thống cảnh báo mất tập trung sẽ phát tín hiệu nếu nhận thấy người lái có dấu hiệu buồn ngủ. Hay công nghệ hỗ trợ lực phanh khẩn cấp giúp giảm tối đa khoảng cách phanh khi gặp tình huống nguy hiểm bất ngờ.
Điều quan trọng là những hệ thống này chỉ mang tính chất hỗ trợ chứ không hoàn toàn thay thế khả năng điều khiển của con người. Nên việc tập trung và giữ sự tỉnh táo khi lái xe đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông.
Trở lại với những vụ "xe điên" liên quan tới Mercedes-Benz GLA, chuyên gia xe hơi Sơn Nguyễn cho rằng, nếu được trang bị công nghệ phanh tự động khẩn cấp, có thể hệ thống này sẽ được kích hoạt khi sắp xảy ra va chạm, qua đó tác động một lực phanh nhất định và có thể giảm thiểu thương vong.
Việc chiếc xe tự động phanh lại và giảm tốc cũng tác động tới hành động của người cầm lái, có thể khiến lái xe tập trung trở lại và tránh các thao tác nhầm lẫn gây thương vong lớn. Đáng tiếc là công nghệ này đã bị loại bỏ khỏi những chiếc xe Mercedes nói riêng và nhiều mẫu xe mới về Việt Nam nói chung.