Tajikistan và một phần Đông Nam của Kyrgyzstan thường được xem là nóc nhà thế giới, do có những đỉnh núi cao trung bình trên 4.000 m. Phần trung tâm ở Tajikistan và dãy Pamir được bao phủ những những ngọn núi tuyết vĩnh cửu trên 7.000 m. Đây cũng là đoạn đường hiểm trở mà đoàn thương nhân phương Đông thủa xưa phải vượt qua để đến với những đô thị lớn trao đổi những hàng hóa, sản vật thời đó.
Xa lộ Pamir là đoạn đường hiểm trở vượt qua dãy núi Pamir cao trung bình trên 4.650 m so với mặt nước biển, nối từ thành phố Osh của Kyrgyzstan đến thị trấn Murghab, và rẽ vòng cung trái xuyên qua tỉnh Gomo Badakhshan để kết thúc ở thủ phủ Khorog. Xa lộ có chiều dài 1.252 km và còn được gọi chính thức với tên là M41.
Để bắt đầu trải nghiệm trên xa lộ Pamir, tôi phải di chuyển đến thành phố Khorog. Đoạn đường dài 500 km đi vòng theo đường biên giới với đất nước Afghanistan. Phương tiện di chuyển chủ yếu từ Dushanbe đến Khorog chủ yếu là loại xe 4 cầu, vượt được tốt cho những đoạn đường đèo dốc cao. Chúng tôi chờ đợi gần 2 giờ đồng hồ để đủ số lượng 6 khách trên chiếc xe 7 chỗ ngồi để đến Khorog. Một ngày vất vả với 14 tiếng trên xe, nhưng bù lại tôi được thưởng ngoạn vùng núi tuyệt đẹp vùng biên giới giữa hai nước.
Những Bước Chân trở về TP HCM những ngày cuối tháng 8, sau 2 tháng một mình tới Nga, qua các nước Trung Á nằm trên cung đường "Con đường tơ lụa" năm xưa. Anh dành những bài viết độc quyền cho Zing.vn. Những Bước Chân hiện là giảng viên đại học tại TP HCM.
Hiện tại có 2 cách để đi cung Pamir từ Khorog. Một là tôi bắt xe để đến Murghab, băng qua công viên quốc gia Badakhshan nằm trên độ cao 4.000. Tuy nhiên, chủ nhà trọ bảo rằng đoạn đường này hiện có một đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, xe không thể đi qua. Nếu chọn cách này, tôi sẽ phải rời xe, kéo vali đi bộ khoảng 3 km rồi sau đó bắt một chuyến xe khác để về Murghab. Một số khách du lịch cũng chọn cách này nếu họ vác ba lô thay vì va li kéo bất tiện như tôi.
Tôi chọn cách thứ 2, rủi ro hơn, mà tôi cũng được nhiều người khuyên là không nên sử dụng. Tôi quyết định liều, vì theo Lonely Planet, đây là đoạn đường biên giới tuyệt đẹp. Cách này buộc tôi sẽ di chuyển đến thị trấn cực nam của Tajikistan là Eshkashem dài 108 km, đường đá bi rất hẹp. Từ Eshkashem tiếp tục bắt xe đến thị trấn Langar với chiều dài 90 km, sau đó tiếp tục bắt xe đến Murghab. Đây là đoạn đường được cảnh báo là rất ít xe di chuyển. Tôi hít một hơi thật sâu lấy tự tin để chọn cách này, chỉ trông chờ vào may rủi trên hành trình để về đến Murghab như đúng lịch.
Từ Khorog, tôi bắt một chuyến xe bus địa phương để đến Eshkashem với giá 40 somoni Tajikistan (khoảng 140.000 đồng), trong khi anh bạn người Nhật chọn cách 1 để đến Murghab. Đoạn đường hẹp nhưng thật tráng lệ giữa một bên núi đá dựng đứng và một bên là vực sâu của con sông Panj.
Ngày hôm sau, tôi dậy sớm và bắt chuyến xe đi Langar. Mọi chuyện bắt đầu khó khăn khi tôi đợi hàng giờ vẫn chưa có chuyến xe địa phương nào đi qua khu vực này để về Langar. Thỉnh thoảng tôi có thấy những chiếc xe đi chiều ngược lại chở theo những nhóm khách Tây.
Anh bạn địa phương giải thích: “Thông thường khách du lịch đi từ Osh đến Murghab rồi từ đó về Langar và Khorog. Còn bạn đi ngược lại nên xe cộ rất ít”. Do đặt vé máy bay, tôi khởi đầu từ Dushanbe và kết thúc tại Osh, tôi không còn cách nào lựa chọn cho cung đường truyền thống mà mọi người hay đi. Lúc này tôi chỉ biết chờ đợi và hy vọng. Cuối cùng, tôi cũng tìm được xe với đủ số lượng người ghép khởi hành đi Langar với giá 100 somoni (350.000 đồng) sau 2 giờ chờ đợi.
Đoạn đường từ Eshkashem đến Langar với nhiều đoạn bùn lầy nguy hiểm, nhưng lại là một cung đường biên giới tuyệt đẹp giữa Tajikistan và Afghanistan. |
Những khó khăn, thách thức bắt đầu tiếp tục xuất hiện. Đoạn đường này còn hẹp hơn đoạn trước. Một số nơi không còn rải đá, hoàn toàn là bùn đất lầy lội do mưa. Những đoàn xe tải xếp hàng dài cả cây số. Một số thanh niên địa phương cùng các tài xế xe tải cùng nhau hỗ trợ để từng chiếc xe con có thể qua được những đoạn đường kinh khủng này.
Tôi mất hơn 4 giờ đồng hồ để đến Langar, nơi có nhiều suối khoáng nóng trị liệu rất tốt, cũng là điểm đến cho du khách. Nhưng tôi không còn tâm trí để hưởng thụ tắm suối, chỉ lo nghĩ đến chặng đường tiếp theo, do nhiều người địa phương cho rằng sẽ rất ít có cơ hội để bắt taxi chứ đừng nói gì đến chuyện sẽ ghép được cho đủ số người để tiết kiệm tiền.
Tôi quyết định sẽ chờ để bắt xe về Murghab trong đêm, vì ngày tôi bay từ Osh đã gần kề. Trong suốt 3 giờ, chỉ có vài xe trống dừng lại và ra giá trên trời cho một mình tôi đến Murghab. Tôi cố gắng chờ đợi thêm, biết đâu sẽ có xe có khách để tôi có thể tiết kiệm được một ít tiền.
Nhưng 4 giờ trôi qua vẫn chưa thấy thêm chiếc xe nào. Trời bắt đầu lạnh với từng cơn gió buốt. Tôi nghĩ đến chuyện bắt xe tải để quá giang. Đây cũng là một mẹo mà tôi đọc được trên các sách tư vấn du lịch dành cho những người đi bụi.
Một chiếc, rồi 2 chiếc, 3 chiếc đi qua với những làn khói bụi mù mịt, bỏ tôi lại phía sau. Một bác tài dừng lại và ra hiệu cho tôi hiểu rằng trời đã gần tối, họ sẽ không di chuyển vào ban đêm nên họ sẽ tìm chỗ ngủ để sáng mai tiếp tục khởi hành. Quả thật, những chiếc xe tải chở hàng 18 bánh với tốc độ 20 km/h, chạy chầm chậm trên cung đường này mà chỉ một sơ suất nhỏ là chúng có thể rơi xuống vực bất cứ lúc nào.
Tôi thất vọng và dự định tìm một chỗ ngủ ở nhà dân gần đó thì một xe 7 chỗ dừng lại. Tài xế ra giá luôn mà không cần đợi tôi gật đầu, vì anh ta hiểu rằng chỉ có những khách du lịch như tôi đến giờ này mới có nhu cầu đi trên cung đường mà người bản địa suốt vài năm còn chưa đặt chân tới. Không tìm được xe ghép như mong đợi, nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm để đến Murghab trong một hành trình trong đêm với mức chi phí mà sau này nhiều người bảo là tôi rất may mắn. Trên 250 km đường đèo núi, tôi đã có một đêm không ngủ với trăng, sao và mùi gió lạnh buốt đến rợn người.
4h, tôi đến thị trấn Murghab. Tài xế dừng xe ở nhà một người quen để dùng bữa sáng với bánh mì, bơ, mứt, trà sữa. Căn nhà truyền thống của người Pamir được gọi là Huneuni Chid, có gắn những biểu tượng của Hồi giáo Shia Ismaili, là phái được đa số người Pamir theo. Từ bên ngoài, nhà trông giống như một khối gạch đơn giản, thấp, được trát vữa sơ sài nhưng bên trong rất ấm cúng.
Cuộc dân hàng ngày của người Pamir ở thị trấn Murghab. |
Hành trình trên cung Pamir
Tôi ra bến xe và cùng chia kinh phí với một nhóm khách Nhật để bắt đầu trải nghiệm mong đợi trong hành trình, vượt xa lộ Pamir để về Osh. Đoạn đường dài 412 km luôn là nơi đầy thách thức mà khách du lịch muốn chinh phục. Đoạn đường này chạy qua công viên quốc gia Tajik tuyệt đẹp nằm bao quanh hầu hết dãy núi Pamir sừng sững đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2013. Đây cũng là sự công nhận cho một nơi đẹp đẽ nhất và cũng là nơi khó đến nhất trên trái đất. Đoạn xa lộ này được trải nhựa khá tốt. Thiên nhiên hùng vĩ làm tôi không thể chợp mắt một giây phút nào. Đoạn đường này cũng là cung đường mong đợi của những khách du lịch thích trải nghiệm bằng xe đạp hay xe gắn máy. Xe chạy hơn 200 km thì đến hồ nước mặn Karakul. Đây là hồ nước có đường kính 25 km, sâu và khép kín với màu xanh huyễn hoặc của trời. Hồ được ví như một viên ngọc xanh khổng lồ nằm sát biên giới với Kyrgyzstan, Trung Quốc trên dãy Pamir hùng vĩ này.
Cung Pamir trên nóc nhà thế giới, phía xa là hồ nước Karakul và đỉnh Lenin huyền thoại. |
Trước khi qua cửa khẩu 2 nước, anh tài xế có chỉ cho chúng tôi nhìn thấy phía trước là đỉnh núi mang tên Lenin trên độ cao 7.134 mét, nơi có những dòng sông băng hùng vĩ ngự trị.
Xa lộ Pamir tiếp tục trên phần đất Kyrgykizstan. Những cánh đồng cỏ xanh bạt ngàn cùng những đàn gia súc hàng nghìn con chi chít gặm cỏ trên các sườn núi cao đang dần hiện ra trước mắt. Khi cách Osh 100 km, tài xế chủ động dừng xe cạnh một khu vực nhà Yurk truyền thống bên đường. Họ mời tôi nhấm nháp chút sữa ngựa như làm trọn vẹn hơn cảm xúc trước khi chia tay với vùng đất được xem heo hút nhất trên thế giới, nơi một phần hành trình của đoàn lạc đà nhẫn nại đi về phương tây khi xưa.
Hành trình ngược ‘con đường tơ lụa’ khép lại nhưng tôi hy vọng có lúc sẽ quay trở lại với Trung Á, nơi còn có những con người hiếu khách dường như từ nghìn năm qua vẫn không thay đổi…