Ban tổ chức chương trình "Lễ hội Xuân hồng" cho biết đã tiếp nhận 9.079 đơn vị máu, lập kỉ lục về số lượng tiếp nhận nhiều nhất trong một ngày tại một địa điểm ở Việt Nam. Các bác sĩ tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho rằng, đây là một kết quả đáng mừng cho phong trào hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, mặt khác, nó lại là nỗi lo của tập thể cán bộ Khoa Điều chế các thành phần máu của viện. |
Thạc sĩ Võ Thị Diễm Hà, Trưởng khoa Điều chế các thành phần máu cho biết Viện đã huy động toàn bộ 70 nhân viên và tăng cường thêm 93 người từ các khoa, phòng khác làm việc liên tục suốt 22 giờ. "Máu chỉ có thể giữ được chất lượng tốt nhất trong vòng 24h kể từ khi hiến", nữ thạc sĩ khẳng định. |
Máu được tiếp nhận đến khi truyền cho bệnh nhân cần trải qua một quá trình dài với nhiều khâu sàng lọc, chiết tách. |
Trước khi lấy máu, người hiến phải thực hiện xét nghiệm định lượng huyết sắc tố và virus viêm gan B (bằng test nhanh). Sau đó, các mẫu máu lại được tiếp tục chuyển về viện để thực hiện các xét nghiệm tinh vi hơn. |
Tại viện, với sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại, các nhân viên kỹ thuật tiến hành xét nghiệm sàng lọc 5 bệnh truyền nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét. |
Trong ngày diễn ra "Lễ hội Xuân hồng", máu theo các xe chuyên dụng về viện liên tục khiến cho các cán bộ, nhân viên phải làm việc không ngơi tay. |
Máu tiếp nhận không được truyền trực tiếp mà chỉ được truyền từng thành phần theo nguyên tắc "Cần gì truyền nấy, không cần không truyền". Mỗi một đơn vị máu có thể chiết tách ra thành hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương. |
Những người được huy động sẽ làm các công việc đơn giản như vận chuyển, dán băng dính, ghi ngày hiến máu. |
Các công việc phức tạp hơn như cân khối lượng (chính xác đến từng gam), chiết tách máu, điều chế thì vẫn phải do cán bộ của khoa đảm nhiệm. |
Chị Đào Thị Thuý Hà (trái) cho biết: "Năm nào đến Lễ hội Xuân hồng tôi cũng phải làm suốt đêm. Vì thế cứ đến ngày này thì tôi cố gắng ăn nhiều hơn. Trước đó phải đi ngủ sớm để lấy sức làm việc". |
Mỗi khi công việc tạm vãn, mọi người lại tranh thủ nằm ngay xuống bàn để nghỉ ngơi trong giây lát. |
Một cán bộ đang ngồi chờ máy ly tâm làm việc xong để chuyển máu sang bộ phận kế tiếp. Thạc sĩ Võ Thị Diễm Hà cho biết, do thiếu máy ly tâm nên nhiều khi công việc bị ùn lại, đặc biệt trong những ngày cao điểm. "Sắp tới, khoa sẽ nhận thêm hai máy ly tâm mới, hy vọng tình hình sẽ được cải thiện", bà Hà nói. |
Để đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên làm việc, bên cạnh 3 bữa chính, khoa còn bổ sung thêm sữa chua, cháo gà. Lãnh đạo khoa cho biết sau đợt cao điểm sẽ sắp xếp cho nhân viên nghỉ bù một ngày. |