Trang Hạ 'bật mí' món quà gửi tặng Trường Sa
Bên cạnh sự nghiệp văn chương, Trang Hạ còn là một người con nặng lòng với biển đảo, chủ quyền của đất nước. Mới đây, chị đã dành tặng những tác phẩm của mình cho các chiến sĩ Trường Sa.
Nằm trong chuỗi những sự kiện “Vì Trường Sa” mà công ty đặt lên hàng đầu trong kế hoạch hỗ trợ và phát triển cộng đồng từ năm 2012 đến nay, VNG chính thức phát động chương trình “Ghi dấu nơi Trường Sa tôi”. Đây là chương trình dành cho những ai muốn chia sẻ tình cảm, gửi gắm món quà mình quý trọng đến vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. VNG sẽ đại diện đem tấm lòng, tình cảm của người dân đất liền, tận tay gửi đến những người dân và chiến sĩ ở đảo xa vào tháng 5 tới.
Vừa qua, ban tổ chức chương trình đã nhận được món quà của nhà văn Trang Hạ và có buổi trò chuyện với chị xung quanh chương trình ý nghĩa này.
- Không chỉ là một người viết chuyên nghiệp, Trang Hạ còn được biết đến là người tham gia rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vậy phải chăng chị đã từng có kỷ niệm nào đặc biệt với các chiến sĩ nơi đây?
- Hồi 17, 18 tuổi tôi từng viết thư cho các chiến sĩ Hoàng Sa, Trường Sa nhưng không thấy ai trả lời. Bởi lúc đó từ tâm thức của một cô bé lớp 10, tôi chỉ đề thư là gửi chiến sĩ Trường Sa tỉnh Khánh Hòa rồi gửi đi. Trong đó tôi còn làm một bài thơ về các chiến sĩ.
Đó là suy nghĩ và hành vi xuất phát từ bản năng. Bởi tôi tin rằng có những điều tốt đẹp vẫn đang tồn tại trong xã hội. Và đó là những cảm xúc không theo chỉ đạo, là sự cống hiến mà không cần trả công. Tôi tin rằng từ những điều đó đã làm thay đổi quan điểm của mình và nhìn nhận thế giới với một góc độ khác.
Thời đó, có hai hình tượng mà tôi rất ngưỡng mộ đó là các chiến sĩ Trường Sa và những cô chú công nhân đi làm ca đêm. Thời gian trôi đi, có thể lúc nào đó thì mình bận rộn với đời sống nhưng một góc trong lòng mình chắc chắn không bao giờ quên những hình ảnh đã khiến mình yêu thích khi còn là cô bé nhỏ. Điều yêu thích ấy không phải là vu vơ, vô cớ hay chịu sự ảnh hưởng của người khác mà nằm trong cảm nhận của bản năng.
- Khi tham gia chương trình “Ghi dấu nơi Trường Sa tôi” chị muốn gửi tặng các chiến sĩ món quà gì?
- Là một người viết nhưng không thể gửi báo vì nó hạn chế về tính thời sự nên tôi đã chọn gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa tác phẩm Mẹ điên. Tác phẩm này đã làm cảm động rất nhiều người đọc và ngay cả bản thân tôi cũng vậy. Rất nhiều độc giả phản hồi với tôi rằng họ đọc tác phẩm này không chỉ một lần, thậm chí Mẹ điên là cuốn duy nhất mà bố mẹ đọc chung cùng với con cái.
Có thể thấy những cảm xúc, giá trị trong cuốn sách, sẽ khiến cho nhiều thế hệ, lứa tuổi, thân phận có thể cảm nhận được. Tôi hy vọng đối với những chiến sĩ ở ngoài Trường Sa món quà gợi lên tình yêu thương này sẽ làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, phong phú. Bởi có những giá trị không bao giờ bị lạc hậu trong đời sống là sự cảm động, giọt nước mắt, nụ cười, hay tình nghĩa cha mẹ. Vì vậy, cho dù chúng ta đang ở Hà Nội, hay những chiến sĩ bộ đội Trường Sa cũng đều cảm nhận được những giá trị này.
- Là người rất tâm huyết và am hiểu về vấn đề biển đảo, chị có ước mong được đến Trường Sa?
- Tôi đã từng đăng ký đi ra Trường Sa từ năm 1996 khi đó tôi đang là biên tập viên của báo Hoa Học Trò. Đến thời gian năm 2001, khi tôi làm việc tại báo Tiền Phong và nghe các anh đã đi đến Trường Sa về kể chuyện thì tôi cảm thấy rất tiếc, và háo hức được đi. Nhưng ước mơ từ năm ngoài 20 tuổi này đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được.
Mong muốn lớn nhất của tôi là được ra đảo, được cảm nhận thực tế cuộc sống của các chiến sĩ. Tôi tin đối với bản thân một người viết, chuyến đi sẽ đem đến những trải nghiệm mới, những quan điểm nhân sinh mới trong cuộc sống và sẽ được lan tỏa qua các trang viết đến với bạn đọc.
Chắc rằng sự xúc động, niềm tin tưởng từ trong những trang sách của của tôi có thể làm lay động trái tim của những bạn trẻ chưa từng đến Trường Sa.
- Chị đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình “Ghi dấu nơi Trường Sa tôi” của VNG?
- Trước hết, việc VNG gửi tặng 2 xuồng CQ cho Trường Sa là một trong những cách tuyệt vời để thể hiện tình yêu nước. Rất nhiều người quan niệm rằng chỉ có cầm súng đi ra tuyến đầu mới thể hiện là yêu nước hoặc mức độ sẵn sàng cao nhất, nhưng tôi nghĩ mỗi người cần làm tốt trách nhiệm của mình và quan tâm đến cộng đồng thì đó đã là một hành động yêu nước rồi. Nhiều người nghĩ rằng yêu nước cao nhất là phải trả bằng máu, nhưng tôi nghĩ rằng yêu nước cũng là đừng để cho máu phải đổ nữa, cho dù là máu mình hay máu con em người khác.
Tôi tôn trọng tất cả những hành động hướng về lòng yêu nước cho dù bằng tiền hay chỉ là tâm thế, dù bạn có lòng yêu nước ở trong người mà chưa có dịp thể hiện ra được.
Còn về chương trình này, tôi không rõ sẽ có bao nhiêu cư dân mạng và người dân Việt Nam có thể đọc, liên kết với chương trình nhưng tôi tin rằng về ý nghĩa xã hội nó đã làm được một việc rất lớn, thứ nhất đó là tâm huyết của chính VNG khi hướng đến vấn đề chủ quyền, biển đảo, thứ hai trong một mức độ nào đó chương trình cũng đã có sức lan tỏa và kết nối trong cộng đồng.
Hy vọng chương trình ý nghĩa này sẽ được duy trì trong nhiều năm thì càng ngày ý nghĩa của nó sẽ có sức thuyết phục hơn trong cộng đồng mạng.
- Sắp tới chị có dự định gì để góp phần vào công cuộc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo?
- Hiện tại, ngoài một công trình học thuật độc lập đang thực hiện, tôi cũng đang xây dựng một từ điển tham khảo, từ vựng đối chiếu về biển đảo và luật biển quốc tế có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa với đa ngôn ngữ Anh – Hoa – Việt. Trong đó có đưa khái niệm gốc, tên, thậm chí có thêm phần giải thích. Đây sẽ là tài liệu hữu ích cho việc nghiên cứu và chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Nằm trong chuỗi những sự kiện Vì Trường Sa mà doanh nghiệp đặt lên hàng đầu trong kế hoạch hỗ trợ và phát triển cộng đồng từ năm 2012 đến nay, công ty VNG phát động chương trình Ghi dấu ấn nơi Trường Sa tôi. Đây là chương trình dành cho những ai muốn chia sẻ tình cảm, gửi gắm món quà mà mình quý trọng đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 10 món quà ý nghĩa nhất sẽ được đoàn báo Tuổi Trẻ và công ty VNG trao tặng cho quân và dân Trường Sa vào đầu tháng 5. Chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 8/4 đến hết ngày 21/4. Thể lệ chương trình: Bước 1: Chụp lại hình ảnh hoặc mô tả chi tiết món quà mà bạn muốn gửi tặng Trường Sa (không vượt quá 60x60 cm, không nặng quá 2kg). Bước 2: Đăng tải trên tường Zing Me, Facebook của VNG. Trong phần mô tả hình, bạn hãy viết lời bạn muốn gửi đến quân và dân Trường Sa. Kèm thêm thông tin chi tiết về cá nhân (gồm họ và tên, số điện thoại, email) để ban tổ chức có thể liên hệ trực tiếp. Bước 3: VNG cùng báo Tuổi Trẻ chọn ra 10 món quà ý nghĩa nhất trong số các món quà được gửi về. Thông tin cụ thể tại đây. Sau ngày 21/4, ban tổ chức sẽ thông báo đến 10 chủ nhân có món quà được chọn. VNG sẽ thanh toán chi phí chuyển vận chuyển những sản phẩm ở xa |
An Hoàng
Theo Infonet